Ngày 13-2, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp UBND thành phố tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất để xây dựng một chính sách mới thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo.
Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) Lý Đình Quân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.QUẾ |
Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) Nguyễn Mai Dương cho biết, dự thảo nghị định gồm 6 chương, 33 điều xây dựng trong bối cảnh các tổ chức, cá nhân liên quan đến đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo được định danh nhưng hoạt động chưa đúng với bản chất, nội hàm theo định danh; mặt khác, còn thiếu quy định cụ thể về tiêu chí, hình thức xác định các đối tượng. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong quản lý, triển khai chính sách.
Góp ý về dự thảo nghị định, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) Lý Đình Quân cho rằng, nghị định cần có chính sách để khuyến khích truyền cảm hứng khởi nghiệp cho toàn xã hội, bởi lẽ sau 10 năm Việt Nam thúc đẩy khởi nghiệp thì vẫn chưa có nhiều “kỳ lân” khởi nghiệp (công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD), riêng Đà Nẵng chưa có “kỳ lân”. Song song đó cần có quy định tăng cường hơn nữa hoạt động kết nối giữa 3 nhà: nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp mang tính thực chất, tránh hình thức và “mạnh ai nấy làm”.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam Phạm Ngọc Sinh cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo phải được tuyên truyền rộng rãi tới từng tổ chức và cá nhân, bên cạnh đó, cần có quy định đánh giá, vinh danh các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều hơn.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Acronics Nguyễn Trọng Tuấn nhìn nhận, các cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ mới cần mang tính đột phá mạnh mẽ, thúc đẩy sức sáng tạo, nguồn lực đầu tư của xã hội để đưa các thành tựu khoa học, giải pháp công nghệ vào cuộc sống. Thời gian qua, các chính sách về khoa học công nghệ chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học, tuy nhiên hỗ trợ và ứng dụng sản xuất, kinh doanh chưa nhiều nên việc xây dựng chính sách phải tính toán để ứng dụng khoa học, công nghệ hiệu quả vào kinh tế. Để làm được điều này thì cần tăng thêm đầu tư cho khâu thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Đà Nẵng không ngừng nỗ lực và tiên phong trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự hình thành và phát triển không ngừng của các tổ chức hỗ trợ, các cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, thành phố đã đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trong đó có các chính sách về phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo như: chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách hỗ trợ phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; chính sách thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; chính sách quy định việc đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ phục vụ khởi nghiệp sáng tạo…
Các chính sách này đã được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết của HĐND thành phố và đang được triển khai thực hiện, bước đầu giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho rằng, các khái niệm liên quan đến đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo hiện chưa được xác định rõ ràng. Một số đối tượng có nội hàm không tương đồng với tên gọi, dẫn đến sai lệch đối tượng, ảnh hưởng đến việc thực thi các cơ chế, chính sách, do đó cần phải phân biệt rõ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo để có chính sách, chế độ ưu đãi đúng đắn. Bên cạnh đó, trước khi xây dựng dự thảo hoàn chỉnh cần phải có đánh giá tác động các loại chính sách, hỗ trợ cần đúng theo quy định pháp luật.
Vai trò của khoa học, công nghệ trong thời gian tới là vô cùng quan trọng và cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/xay-dung-chinh-sach-de-phat-trien-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-4000736/