Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. Để theo đuổi mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ mà thành phố chọn thực hiện là xanh hóa các khu công nghiệp (KCN), hướng tới mỗi KCN trở thành khu sinh thái, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn theo mục tiêu Net Zero.
Thành phố có 6 KCN, 1 Khu Công nghệ cao đã đi vào hoạt động; đang đầu tư KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và 3 KCN mới. Theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 1 KCN đáp ứng các tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; đến năm 2030 có 2-3 KCN sinh thái.
Đây là mục tiêu được đề ra trong Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 6-2-2204. Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 hướng đến mục tiêu chung bảo đảm ngành công nghiệp của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 sẽ được kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động phát sinh chất thải cả về số lượng và chất lượng, góp phần đạt các chỉ số chất lượng không khí (AQI) 90. Đồng thời, hoạt động cải thiện, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của ngành công nghiệp luôn trong trạng thái chủ động và đáp ứng yêu cầu năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, từ đó giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật. Hoàn thành các tiêu chí về quản lý môi trường trong ngành công nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030”.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023 – 2025 có 100% cơ sở công nghiệp theo quy định cam kết lập thủ tục để đăng ký cấp giấy chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; 100% CSCN thực hiện thu gom, lưu trữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn sản xuất, chất thải nguy hại đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; 90% CSCN có phát sinh bụi, khí thải, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% CSCN xây dựng, ban hành, công khai và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở; chuyển đổi 1 khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí quốc gia; 100% khu, cụm công nghiệp thực hiện đúng quy định chung về bảo vệ môi trường và yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường…
Giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục thực hiện đảm bảo giữ vững tỷ lệ 100% đối với các nội dung đã đạt trong giai đoạn 2023-2025; 100% cơ sở công nghiệp hình thành mới phải đảm bảo đúng quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trước khi được cấp phép. Tiếp tục thực hiện đảm bảo giữ vững tỷ lệ 100% CSCN ngoài khu tập trung có phát sinh nước thải từ 50m3/ngày.đêm trở lên phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc yêu cầu về chất lượng cụ thể đối với các thông số môi trường trong nước thải do đơn vị quản lý hạ tầng thoát nước quy định.
Với việc chuyển qua mô hình khu công nghiệp sinh thái, các chuyên gia và nhà quản lý khẳng định, doanh nghiệp và cả địa phương đều được hưởng lợi. Cụ thể, với doanh nghiệp, việc sản xuất sạch hơn sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh, khi thị trường quốc tế đang dần đặt ra tiêu chí lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất bền vững. Từ đó, cơ hội hợp tác, mở rộng hợp tác của những doanh nghiệp này ra quốc tế cũng cao hơn.
GIA PHÚC