Không phải ngẫu nhiên mà các dự án khởi nghiệp của sinh viên Đại học Đà Nẵng liên tiếp được giải thưởng tại cuộc thi lớn trong nước. Đó là thành quả nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên và khuyến khích, hỗ trợ từ phía nhà trường.
Cuộc thi khởi nghiệp Startup Runway 2024 là bệ phóng cho nhiều dự án của sinh viên. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nối tiếp những thành tích đạt được trong thời gian qua như giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng 2024, giải Nhất toàn quốc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tại cuộc thi SV-Startup 2024 (học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI – năm 2024), dự án “BINKS – Mực thực vật” tiếp tục được vinh danh tại cuộc thi “KMAC – FTU ý tưởng đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024” vừa được tổ chức trong tháng 12 này. Trần Nhân Kiệt (sinh viên Viện nghiên cứu và đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng), trưởng nhóm nghiên cứu dự án cho biết, đây là cuộc thi do Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (iEIT), Trường Đại học Ngoại thương và Công ty Tư vấn Quản lý Hàn Quốc (KMAC) phối hợp tổ chức.
Vượt qua các đội thi, nhóm nghiên cứu dự án “BINKS – Mực thực vật” trở thành quán quân và đại diện cho Việt Nam thuyết trình dưới hình thức online bằng tiếng Anh với các đội và dự án nghiên cứu quốc tế tại Hàn Quốc. Nhóm đã nhận được giải top 7 nghiên cứu xuất sắc nhất cuộc thi KMAC – FTU ý tưởng đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024. Đây là lần đầu tiên sinh viên Đà Nẵng được đề cử trao tặng hạng mục này.
Cũng trong tháng 12-2024, sinh viên các trường thành viên Đại học Đà Nẵng “thắng lớn” tại Giải thưởng Sáng tạo tương lai – VietFuture Awards năm 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức. Trong đó, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa có 2 đề tài “Thiết bị IoT tích hợp LoRaWAN quản lý chất lượng điện năng theo thời gian thực cho nhà máy” đoạt giải Nhất và đề tài “Hệ thống hỗ trợ di chuyển dành cho người khiếm thị” đoạt giải Nhì.
Đề tài “Phao cứu sinh tìm kiếm chủ động” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đoạt giải Nhì; sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn đoạt 1 giải tiềm năng… Đây là những đề tài, dự án được hình thành, phát triển tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Đại học Đà Nẵng. Sau khi đoạt giải, các nhóm không ngừng hoàn thiện dự án và dưới sự giới thiệu, hỗ trợ của nhà trường tìm kiếm đối tác để thương mại hóa sản phẩm.
Sinh viên Trần Nhân Kiệt, trưởng nhóm nghiên cứu dự án “BINKS – Mực thực vật” chia sẻ, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ BINKS kết nối với các trường học, tổ chức các sự kiện và triển lãm. Viện cung cấp nền tảng vững chắc cho nhóm trong việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác và tăng cường sự hiện diện trong ngành giáo dục và nghệ thuật; tiếp cận các nguồn lực và cơ hội để thúc đẩy việc thương mại hóa sản phẩm, tiếp cận được một lượng khách hàng lớn và xây dựng được sự tin tưởng trong cộng đồng.
Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), ngoài cuộc thi nghiên cứu khoa học, nhà trường tổ chức cuộc thi khởi nghiệp Startup Runway thường niên từ năm 2016. Các đội thi không chỉ dành cho sinh viên Đà Nẵng mà mở rộng toàn quốc. Từ cuộc thi, sinh viên được hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp thông qua các buổi workshop (thảo luận) với các chuyên gia, các buổi đào tạo kiến thức chuyên sâu, nuôi dưỡng, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, kế hoạch phát triển sản phẩm, kêu gọi vốn…
PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, trong năm học 2023-2024, Đại học Đà Nẵng trao 11 giải thưởng cho các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học nổi trội. Từ cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài tham gia giải thưởng tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng, cấp Trung ương đạt giải cao.
Ngoài ra, năm 2024, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Festival Sáng tạo trẻ lần thứ VI năm 2024. Sự kiện thu hút sinh viên các trường tham gia trưng bày sản phẩm có công nghệ đột phá, mang tính xu hướng như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… ứng dụng được trong đa dạng các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghiệp, môi trường.
“Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được triển khai mạnh mẽ và toàn diện tại các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng. Đồng thời, Đại học Đà Nẵng chú trọng phát triển mạng lưới hợp tác đại học – doanh nghiệp – Nhà nước để phục vụ công tác đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Năm 2024, Đại học Đà Nẵng cũng ký kết ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) về đầu tư hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, hai bên tăng cường phối hợp về đào tạo, ươm tạo trong các lĩnh vực trên, kết nối hoạt động nghiên cứu và phát triển với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước…”, PGS.TS Lê Quang Sơn chia sẻ.
NGỌC HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/uom-mam-du-an-khoi-nghiep-cua-sinh-vien-3996071/