Công nghiệp hóa, tự động hóa vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức với nhiều doanh nghiệp. Để tham gia vào xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, đầu tư vào các lĩnh vực tự động hóa, sản xuất thông minh nhằm kỳ vọng mang lại những bước tiến mới trong quy trình sản xuất.
Việc đầu tư vào khoa học, công nghệ giúp các doanh nghiệp tăng sản lượng, doanh thu, chất lượng… để cạnh tranh trong ngành, lĩnh vực. TRONG ẢNH: Nhân viên Công ty TNHH MTV Cà Phê Mayaca (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vận hành máy móc. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, chỉ riêng từ đầu năm 2024 tới nay, thành phố đã hỗ trợ 77 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí là 9,371 tỷ đồng để phục vụ đổi mới quy trình, máy móc phục vụ sản xuất. Cụ thể, thành phố hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ cho 15 lượt doanh nghiệp với kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng (chiếm 78,11% tổng kinh phí); hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ cho 13 lượt doanh nghiệp với kinh phí 55 triệu đồng (chiếm 0,64 % tổng kinh phí); hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho 49 lượt doanh nghiệp hơn 1,8 tỷ đồng (chiếm 21,25 tổng kinh phí).
Một số dự án nổi bật được thành phố hỗ trợ đổi mới thiết bị, máy móc như: máy phân cỡ tôm thông minh của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung với kinh phí 890 triệu đồng; hệ thống cân hóa chất tự động của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng với kinh phí 670 triệu đồng; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy lốc thép tấm dày 20mm-80mm của Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường với 930 triệu đồng; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nướng bánh từ trường của Công ty Cổ phần Công nghệ QCM với 524 triệu đồng… qua đó tạo hiệu quả thiết thực vào thực tiễn sản xuất.
Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà Phê Mayaca (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho hay, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sẵn sàng hoàn thành mục tiêu mở rộng tại thị trường Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác. Mới đây, doanh nghiệp đã đầu tư mua máy rang định lượng, máy sàng trọng lượng với tổng chi phí 700 triệu đồng, trong đó 177 triệu đồng được thành phố hỗ trợ từ đề án khuyến công. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa sản xuất của công ty trong năm 2024 ước đạt 100 tấn (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2023).
Một bộ phận doanh nghiệp lựa chọn hợp tác với các viện nghiên cứu và trường đại học để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong sản xuất. Đơn cử như Trường Đại học Đông Á hỗ trợ Công ty CP sản xuất thiết bị điện STC Electric (phường An Khê, quận Thanh Khê) trong tiếp cận nguồn đầu tư, nghiên cứu, đáp ứng hoạt động sản xuất. Anh Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện STC Electric cho biết, việc phối hợp với trường đại học giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và có cơ hội kiểm thử, thử nghiệm trước khi đưa sản phẩm hoàn thiện ra thị trường.
Tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 13-5-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn. Thành phố đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và thiết lập môi trường thuận lợi để kinh doanh, sản xuất.
Tại kỳ họp thứ 19, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Một số điểm lưu ý tại nghị quyết này là: các doanh nghiệp và tổ chức sẽ được hỗ trợ chi phí đổi mới công nghệ phù hợp với luật pháp hiện hành; đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp sản xuất, thương mại và hợp tác xã hoạt động trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Ông Huỳnh Sang, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho hay, Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND quy định rõ các loại hình công nghệ được ưu tiên hỗ trợ như công nghệ cao, công nghệ môi trường và công nghệ tiết kiệm năng lượng; điều kiện hỗ trợ bao gồm việc tuân thủ nghĩa vụ thuế và bảo vệ môi trường cũng như chứng minh khả năng thực hiện nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ; mức hỗ trợ tối đa cho các chi phí nghiên cứu và mua thiết bị lên tới 70% chi phí…
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10-8-2024 và thay thế các quy định trước đó về hỗ trợ đổi mới công nghệ. Bên cạnh Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND, thành phố cũng có những quy định, văn bản tạo hành lang để hỗ trợ các doanh nghiệp như: Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 8-11-2016 quy định chi tiết nội dung và mức hỗ trợ đối với hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 16-5-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Những chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ đã được triển khai hiệu quả, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
HẠNH ANH
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202410/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-3991719/