Dệt may chiếm 25-26% kim ngạch xuất khẩu nhưng tận dụng lợi thế từ EVFTA, CPTPP, UKVFTA chưa nhiều
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, dệt may là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu đóng góp tương đối lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng (chiếm khoảng 25-26%). Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt, may có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp. Khoảng gần 10/30 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất – xuất nhập khẩu có giá trị lớn và tương đối ổn định.
Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may tại TP. Đà Nẵng |
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 trên địa bàn thành phố ước đạt 484 triệu USD, giảm 10,3% so với năm 2022; 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 426 triệu USD (chiếm 26,7% kim ngạch xuất khẩu), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất nhập khẩu, doanh nghiệp dệt may thành phố đã xuất sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Sản phẩm quần áo các loại; sản phẩm dệt chiếm khoảng; nguyên phụ liệu dệt (sợi) chiếm,… Nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu may, dệt, máy móc thiết bị…
Dẫn số liệu từ Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực miền Trung (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, tình hình tận dụng các ưu đãi đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của doanh nghiệp khu vực miền Trung khá tích cực, một số thị trường ghi nhận có sự gia tăng cả về số lượng C/O được cấp và giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, số lượng doanh nghiệp dệt may thành phố có giá trị xuất nhập khẩu lớn không nhiều; phần lớn xuất khẩu theo đơn hàng gia công, được chỉ định nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hoặc các nước khác không thuộc danh sách quốc gia được hưởng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chưa đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định nên chưa tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương |
“Thông qua Tọa đàm, các doanh nghiệp sẽ có thêm thông tin về mô hình hệ sinh thái, lợi ích khi tham gia mô hình này cũng như cùng nhau trao đổi, tích cực thảo luận, góp ý xây dựng mô hình này để Bộ Công Thương hoàn thiện, đưa ra lộ trình và các bước vận hành hệ sinh thái tận dụng FTA của ngành dệt may để triển khai thực hiện trong năm 2025”, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm nói.
Sớm đưa Hệ sinh thái tận dụng FTA vào thực thi để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp
Thông tin giới thiệu về Hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực dệt may, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, 5 vấn đề chính ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải đó là nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu. “Hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực dệt may sẽ kết nối các cơ quan quản lý trung ương; cơ quan quản lý địa phương; các doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, các tổ chức tín dụng; các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu dệt may để tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Đặc biệt đối với ngành dệt may là kết nối được doanh nghiệp dệt may với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu”, ông Ngô Chung Khanh nói.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng |
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp dệt may (cả trong nước và doanh nghiệp FDI) tại TP. Đà Nẵng đã nêu nhiều vướng mắc trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là khó khăn trong nguyên liệu đầu vào hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Các doanh nghiệp và cùng đại diện các cơ quan chức năng đồng thời ủng hộ, mong muốn hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ sớm đi vào thực thi để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vấn đề này cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ các FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA hiệu quả nhất.
Các doanh nghiệp phát biểu góp ý tại tọa đàm |
Ông Huỳnh Ngọc Anh Khoa – Đại diện Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho hay, đơn vị sẵn sàng tham gia hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới và mong muốn việc hoàn thiện, đưa vào thực thi hệ sinh thái trong thời gian sớm nhất, trong đó, doanh nghiệp dệt may mong muốn thông qua kết nối từ hệ sinh thái để giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào.
“Sở Công Thương TP. Đà Nẵng mong muốn việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ sớm hoàn thiện và triển khai vào thực tiễn. Sở Công Thương Đà Nẵng sẵn sàng tham gia và đồng hành với Vụ Chính sách thương mại đa biên để hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất. Và quan trọng, cần có sự tham gia nghiêm túc, tương tác tích cực từ phía các doanh nghiệp – chủ thể chính hướng tới hỗ trợ của hệ sinh thái tận dụng FTA”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm nói.
Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may tại TP. Đà Nẵng do Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan đến ngành dệt may như doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, logistics, ngân hàng… để hoàn thiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… |