Để quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ Tài chính cho biết sẽ cập nhật tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội.
Cán bộ Cục quản lý thị trường Thanh Hóa kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Siêu thị huyện Ngọc Lặc. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình kinh tế – chính trị và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế.
Với nhóm nhiệm vụ này, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn.
Đồng thời, các đơn vị tham mưu kịp thời trình Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát; chủ động tổ chức triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; đẩy mạnh tổng hợp thông tin, phân tích dự báo diễn biến giá cả thị trường.
Cục Quản lý giá chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2024 và tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp; kiểm tra theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, các sở tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn. Sở Tài chính các địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau tết. Trong số đó, cơ quan quản lý đặc biệt lưu ý đến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách… và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá.
Đối với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương như hải quan, thuế, dự trữ nhà nước… Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với sở tài chính và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.
Các cục hải quan, tăng cường quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung lực lượng làm tốt thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp tết; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, lực lượng hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu với mặt hàng trọng điểm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cũng cho rằng ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát để sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá, tránh bị động trong phối hợp chính sách.
Đối với một số mặt hàng thiết yếu, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo, trong năm 2024, giá gạo có thể tăng hoặc ổn định, bởi lo ngại an ninh lương thực, thu mua lương thực, hàng hóa để tăng dự trữ quốc gia. Thịt lợn là mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng).
Sang năm 2024, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung thịt lợn vẫn đảm bảo nhưng đòi hỏi sự quản lý nhà nước và kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng như cuối năm 2019, giá thịt lợn tăng cao do bán tháo, tiêu hủy lớn và không kịp phục hồi, tái đàn.
Năm 2024, giá xăng dầu được đánh giá ổn định. Nhưng đây là một yếu tố rất khó lường bởi biến động chính trị, nếu tiếp tục đứt gãy vận chuyển, giá dầu có thể sẽ là một ẩn số. Bên cạnh đó, một yếu tố có thể tăng áp lực là những mặt hàng do nhà nước điều chỉnh theo lộ trình do suốt 3 năm qua, để hỗ trợ kinh tế, người dân, nhiều mặt hàng được nhà nước giữ bình ổn và chậm lộ trình tăng giá. Tới đây, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ là yếu tố có thể tác động lên CPI năm 2024.
Đối với giá điện điều chỉnh lần 2 vào cuối năm 2023, chưa phải cao điểm nên năm 2024 sẽ chịu ảnh hưởng. Việc điều chỉnh giá điện tiếp hay không sẽ phụ thuộc vào sự tính toán của Bộ Công Thương, EVN và sự phối hợp của Bộ Tài chính. Có ý kiến cho rằng, CPI của năm 2024 sẽ xoay quanh 4% do cộng hưởng từ yếu tố thị trường và quản lý nhà nước. Cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ diễn ra trong tháng 1-2024 để xây dựng kịch bản điều hành giá sát thực tiễn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, xăng dầu… sẽ là những yếu tố khó dự báo, song khả năng đây là những yếu tố ít có biến động lớn trong năm 2024.
Theo Baotintuc.vn