Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Thường vụ Quốc hội về việc tồn đọng hơn 70.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước năm 2023 chưa phân bổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguyên nhân là do các bộ, ngành chậm trình cấp có thẩm quyền; chậm ban hành định mức kỹ thuật và chậm hoàn thành các thủ tục giải ngân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/10. |
Sáng 17-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương.
Thẩm tra việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết: Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ số tiền 70.735,172 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023 (tính đến 5-10-2023) Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, tổng số kinh phí khoảng 2.508 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ) là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực NSNN.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán NSNN hằng năm để chờ phân bổ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình UBTVQH, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ NSNN năm 2023”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.
Đa số ý kiến đề nghị, trường hợp không sử dụng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các nhiệm vụ khác cần thiết, cấp bách, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Có ý kiến đề nghị, đến nay đã gần hết niên độ NSNN năm 2023, trường hợp không phân bổ, không còn nhu cầu sử dụng cần hủy dự toán, giảm bội chi ngân sách Trung ương để chủ động trong việc huy động nguồn lực bù đắp bội chi, giảm chi phí lãi vay.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Chính phủ trình bổ sung dự toán chi thường xuyên 2.508,087 tỷ đồng cho 35 bộ, cơ quan trung ương với số tiền 2.495,154 tỷ đồng và 14 địa phương với số tiền 12,933 tỷ đồng.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 19, khoản 4 Điều 25 Luật NSNN và quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15, Quốc hội không phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi cụ thể của từng bộ, cơ quan trung và địa phương. Dự kiến ngày 23/10/2023, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 6, do vậy để bảo đảm chặt chẽ theo quy định, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở tổng mức chi được Quốc hội quyết định, đề nghị giao Chính phủ rà soát, phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ chi cụ thể cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, để sớm hoàn thiện thủ tục phân bổ, Quốc hội có thể phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương như đề xuất của Chính phủ.
Lý giải nguyên nhân chậm phân bổ dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Do các bộ ngành chậm trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung. Chẳng hạn như kinh phí thực hiện hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, theo Nghị định 116 năm 2020, vì chưa tổng hợp được nên giờ mới phân bổ.
Một ví dụ khác được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu là việc hỗ trợ các cơ quan báo chí theo cơ chế đặt hàng. Theo Nghị định, sau khi được Bộ chuyên ngành ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá thì mới được bổ sung. Tuy nhiên do nhiều khoản chưa được ban hành đầy đủ, khi phê duyệt định mức đơn giá thì đã quá niên độ nên không xử lý được.
“Ví dụ như đài truyền hình kỹ thuật số VTC thuộc VOV, cán bộ nhân viên cả năm không có lương. Nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông mãi mới phê duyệt, lúc phê duyệt thì quá niên độ nên không thể đưa vào”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
“Bên cạnh việc chậm ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, nhiều cơ quan, bộ ngành cũng chậm hoàn thành các thủ tục bổ sung, khiến việc phân bổ dự toán chậm chễ”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm.
Theo Báo Tin tức