Cùng với việc khai thác các nguồn năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu về năng lượng, các cơ quan, đơn vị của thành phố tích cực triển khai các biện pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Người dân tập thể dục ban đêm, sử dụng ánh sáng điện năng lượng mặt trời tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Từ nhu cầu thực tế tại địa phương, năm 2023, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ) đã triển khai nhiệm vụ “Áp dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng” với việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại các trung tâm văn hóa, thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng tại một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng cho biết, đây là một hệ thống tự động hoạt động, tự động tắt mở bằng cách sử dụng nguồn điện từ tấm pin năng lượng mặt trời hoặc có thể hoạt động theo cài đặt của người dùng. Hệ thống mới lắp đặt sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm năng lượng và an toàn, người dân không phải tốn thêm bất kỳ chi phí điện nào để thắp sáng vào ban đêm.
So với hệ thống đèn cao áp, việc lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời có chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn. Tuy nhiên, đèn bằng năng lượng mặt trời có chi phí vận hành rất nhỏ (chỉ thay ắc-quy lưu trữ, bảo trì), tuổi thọ trung bình trên 10 năm; như vậy, chi phí của hệ thống đèn năng lượng mặt trời thấp hơn nhiều so với hệ thống đèn cao áp.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải triển khai thí điểm sử dụng xe chở người bốn bánh có gắn động cơ điện để vận chuyển khách du lịch trên một số tuyến đường có kết nối điểm du lịch, khu du lịch, khu vui chơi giải trí với tổng số 85 xe. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho 8 tàu cá với 16 tấm pin năng lượng mặt trời để phục vụ trong quá trình đánh bắt thủy sản.
Theo thống kê đến nay, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn thành phố đạt khoảng 3,69%. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn thành phố là 81,6MW, đạt 33% kế hoạch đến năm 2025; sản lượng điện mặt trời (tự dùng và phát trên lưới) đóng góp khoảng 3,69% tổng nhu cầu điện toàn thành phố.
Thực hiện “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân để có những hành động thiết thực nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, có 2.113 tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh…
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Nguyễn Văn Trừ cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh. Trong hành trình phát triển kinh tế – xã hội, thành phố luôn xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững là những yếu tố then chốt. Theo đó, thành phố đã ban hành và thực hiện kế hoạch chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030, cùng với Kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Các nhiệm vụ này đã được lồng ghép vào quy hoạch và các dự án phát triển của thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Qua đó giúp thành phố thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính.
TRẦN TRÚC
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202410/tiet-kiem-nang-luong-huong-den-phat-trien-xanh-va-ben-vung-3992149/