Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng nhìn nhận, trong những năm qua, công tác an sinh xã hội được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư nguồn lực tập trung thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo người có công, các đối tượng yếu thế, hộ nghèo trên địa bàn thành phố. Hệ thống các chính sách ngày càng được hoàn thiện, mở rộng, một số lĩnh vực đã đạt được những thành tựu to lớn.
“Có được kết quả đó là nhờ sự quyết tâm, tập trung sức lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có sự tham mưu kịp thời, hiệu quả của ngành lao động – thương binh và xã hội”, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng, với vai trò cơ quan tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội như: bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, người có công, dạy nghề, việc làm…, ngành lao động – thương binh và xã hội thành phố đã bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố; chủ động, linh hoạt và tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả Chương trình Thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” và 15 chính sách an sinh xã hội mới mang đậm tính nhân văn của thành phố.
“Với các giải pháp, chính sách cụ thể, hệ thống an sinh xã hội thành phố ngày càng hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; an sinh xã hội trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội”, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố nhận định.
Theo đó, ngoài các chính sách chung của Trung ương, ngành lao động – thương binh và xã hội thành phố đã tham mưu ban hành một số chính sách đặc thù để chăm lo tốt hơn đến đời sống người có công, được đánh giá cao như: Nghị quyết số 86/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 về trợ cấp thường xuyên cho thương binh, người có công giúp đỡ cách mạng có mức trợ cấp thấp với mức trợ cấp 200.000 đồng/người/tháng; chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng người có công với cách mạng và chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động theo Nghị quyết số 245/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019, với mức hỗ trợ từ 1.000.000 đồng – 1.500.000 đồng/người/tháng.
Đặc biệt, trong những năm qua, thành phố đã triển khai có hiệu quả Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã góp phần nâng cao mức sống gia đình người có công trên địa bàn thành phố. Trong đó, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương là 40 triệu đồng đối với nhà xây mới, 20 triệu đồng đối với nhà sửa chữa, thành phố ban hành Nghị quyết 132/2017/NQ-HĐND, hỗ trợ thêm đối với nhà xây mới 20 triệu đồng, nhà sửa chữa từ 10-15 triệu đồng. Kinh phí hàng năm gần 30 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai các chính sách về người có công, ngành lao động – thương binh và xã hội cũng đã triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp về việc làm và thị trường lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân lao động đang sinh sống trên địa bàn thành phố, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó quy định về đối tượng là lao động trong các hộ bị thu hồi đất, lao động là thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học, lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương với mức hỗ trợ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/khóa học.
Trong thời gian hai năm 2020-2021, dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ngành lao động –thương binh và xã hội đã tham mưu UBND thành phố hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm 2020 hơn 307 tỷ, cho hơn 330 nghìn đối tượng.
Chương trình giảm nghèo cũng đặc biệt được quan tâm chú trọng. Bên cạnh các chính sách của Trung ương, trên cơ sở tình hình đời sống thực tế người nghèo của thành phố, ngành lao động – thương binh và xã hội cũng đã nghiên cứu, phân loại các đối tượng nghèo, tham mưu một số cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp, tác động trực tiếp đến từng nhóm đối tượng, góp phần thúc đẩy việc giảm nghèo nhanh và bền vững.
Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, thành phố đã ban hành Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố là từ 360.000 đồng lên 400.000 đồng (tăng 1,1 lần so với quy định của Trung ương) để triển khai hỗ trợ cho gần 35.000 đối tượng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 101/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND. Theo đó, mở rộng nhóm đối tượng hưởng, mức hưởng so với quy định của Trung ương, tiêu biểu như chính sách đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi, chính sách đối với người mắc bệnh hiểm nghèo… Tính đến nay, có gần 35.000 cá nhân/hộ gia đình thụ hưởng chính sách, với kinh phí hơn 250 tỷ đồng/năm.
Việc thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trong Chương trình “5 không” cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành lao động – thương binh và xã hội đã tham mưu UBND thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù như: mở rộng xử lý đối tượng xin ăn biến tướng, chính sách thưởng nóng cho người dân khi phát hiện thông tin; thành lập đường dây nóng Tổ thường trực xử lý người lang thang xin ăn. Các trường hợp người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng được các trung tâm phân loại, tổ chức giáo dục, lao động sản xuất, điều trị ổn định, kiểm tra xác minh liên hệ với các địa phương, gia đình đưa trở về gia đình, cộng đồng để quản lý. Nhờ vậy, cơ bản thành phố không còn tình trạng xin ăn nhếch nhác, các điểm nóng được xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quan tâm, chú trọng huy động sự tham gia người dân vào các loại hình bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Tích cực, chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung, cấp mã định danh cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nhìn chung, để thực hiện đồng bộ, thực chất, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, tham mưu triển khai kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội đột xuất; nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng, hệ số hưởng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố tăng lên 30% so với quy định của Trung ương; mở rộng các nhóm đối tượng và điều kiện được hưởng đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, ngành cũng tham mưu ban hành các chính sách đặc thù đối với các đối tượng cần sự quan tâm, hỗ trợ của toàn xã hội. Các chính sách này đã phát huy tác dụng, là những tiền đề vững chắc để đảm bảo ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và là nền móng cho sự phát triển vững bền của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ý kiến tham luận tại tọa đàm cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Cụ thể như: một số mục tiêu, chương trình, Đề án triển khai chưa đồng bộ, chưa mang tính hệ thống; các Nghị quyết tham mưu cho HĐND còn dàn trải, công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung – cầu lao động vẫn chưa được khắc phục, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, lao động chưa đáp ứng với nhu cầu cần tuyển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, mức chuẩn trợ cấp xã hội còn thấp so với tình hình thực tế mặc dù Chính phủ đã nâng mức chuẩn 500.000 đồng thực hiện kể từ ngày 1-7-2024 đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định Trung ương. Một số hộ nghèo, thoát nghèo chưa thực sự bền vững, một số nhóm đối tượng khó khăn khác do chưa có việc làm ổn định hoặc các mô hình hỗ trợ quy mô nhỏ nên hộ nghèo chưa được tiếp cận…
Có thể nói, an sinh xã hội là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững thành phố. Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, cán bộ quản lý trao đổi, chủ động đề ra các giải pháp có chất lượng, các kiến nghị trên các lĩnh vực lao động việc làm, bảo trợ xã hội, giáo dục nghề nghiệp, người có công, phòng chống tệ nạn xã hội, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực phù hợp với quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố theo hướng tinh gọn, tích hợp chính sách, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của thành phố trong thời gian đến.
NGÔ HUYỀN
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=60697&_c=3