Trong bối cảnh thị trường bất động sản và nguồn vốn đầu tư của xã hội còn gặp nhiều khó khăn, ngành xây dựng đang triển khai nhiều giải pháp và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo, đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 của UBND thành phố Đà Nẵng, tổng vốn đầu tư công được thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn thành phố là 20.067 tỷ đồng (tỷ lệ giải ngân 85,14%), chiếm tỷ trọng 19,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được. Trong năm 2024, thành phố phấn đấu đầu tư công đạt 7.993 tỷ đồng (đạt tỷ lệ giải ngân hơn 90%), chiếm tỷ trọng 23,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tăng 2,9% so với năm 2023) và nâng bình quân tỷ trọng này trong giai đoạn 2021-2025 lên 20,7%.
Dự kiến, giá trị vốn đầu tư công thực hiện năm 2024 được chuyển hóa vào tổng sản phẩm xã hội (GRDP) với giả định là chuyển hóa hết vào ngành xây dựng đạt 2.185 tỷ đồng, tăng 21,84% so với năm 2023 (1.793 tỷ đồng) và tăng 19,49% so với mức bình quân giai đoạn 2021-2023 (1.828 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư công thực hiện được năm 2024 dự kiến đóng góp 32,6% tổng giá trị tăng thêm (VA) ngành xây dựng, tăng 3,5% so với năm 2023 (28,1%) và tăng 4% so với bình quân giai đoạn 2021-2023 (28,6%); tạo đà nâng tỷ lệ đóng góp bình quân giai đoạn 2021-2025 lên 32,6%, tăng 2,4% so với giai đoạn 2016-2020.
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho rằng, để tăng giá trị tăng thêm ngành xây dựng cần thiết nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Sở sẽ tập trung cho công tác quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư, và chất lượng xây dựng công trình, chất lượng tư vấn đầu tư xây dựng góp phần đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, sở tập trung tham mưu, đề xuất UBND thành phố phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị và phân khu chức năng để làm cơ sở triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (hướng dẫn đối tượng, trình tự thủ tục, quy trình và thành phần hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn) và lấy kiến các cơ quan, đơn vị liên quan đối với các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn.
Sở cũng tập trung cho công tác thẩm định dự án đầu tư công để nhanh chóng khơi thông nguồn lực. Thực tế, trong năm 2023, sở đã tiếp nhận, xử lý 234 hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 3.100 tỷ đồng và 102 hồ sơ thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở với dự toán khoảng 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên năm qua vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm trễ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công.
Đáng chú ý là phần lớn hồ sơ bị trả, không đáp ứng điều kiện để ban hành kết quả thẩm định là do chưa có kết quả thực hiện thủ tục phòng cháy và chữa cháy, môi trường trước thời điểm ban hành kết quả thẩm định. Vì thế, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư chủ động hoàn thiện thủ tục môi trường, phòng cháy và chữa cháy song song với quá trình lập dự án đầu tư; lựa chọn đơn vị tư vấn bảo đảm điều kiện năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu công việc và kiểm soát trong quá trình thực hiện công tác tư vấn. Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị tư vấn về lập hồ sơ thiết kế, giải pháp phòng cháy và chữa cháy, môi trường bảo đảm theo quy định…
HOÀNG HIỆP