ĐNO – Ngày 28-2 (giờ địa phương) vừa qua, tại thành phố Portland (bang Oregon) trong khuôn khổ chuyến công tác của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tại Hoa Kỳ do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm trưởng đoàn, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng phối hợp với chính quyền bang Oregon và Đại học Portland tổ chức hội thảo Đầu tư vào Đà Nẵng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (đầu tiên bên phải) cùng các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÁC |
Tham gia hội thảo, ngoài đoàn công tác thành phố Đà Nẵng, còn có hơn 40 đại biểu là lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp và các trường đại học tại Hoa Kỳ. Về phía bang Oregon có Hạ Nghị sĩ chính quyền bang gồm: ông Daniel Nguyen, ông Paul Evans, bà Sophorn Cheang, Giám đốc Cơ quan phát triển doanh nghiệp bang Oregon, đại diện lãnh đạo thành phố Portland, lãnh đạo Đại học bang Oregon, Đại học Portland; các doanh nghiệp, các công ty thiết kế vi mạch bán dẫn như Synopsys, Ampere, Microchip, Intel… và các doanh nghiệp có quan tâm đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, tiếp nối thành công của đoàn công tác thành phố Đà Nẵng vào tháng 11-2023 do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đã đến thăm và đặt vấn đề làm việc với các tập đoàn, công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Intel, Synopsys, Nvidia…, đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng lần này tiếp xúc sâu và rộng hơn với các đối tác đang có mong muốn thúc đẩy hợp tác, đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng.
Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (đầu tiên bên phải) làm trưởng đoàn đã thông tin nhiều nội dung tại hội thảo liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÁC |
Thông tin đến các nhà đầu tư tham dự hội thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng Lê Hoàng Phúc cho hay thành phố đang rất quan tâm và đã có những bước đi cụ thể, thể hiện quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Với cách tiếp cận tập trung vào phát triển nguồn nhân lực ưu tiên cho công đoạn thiết kế vi mạch trước mắt và sau này là đóng gói, kiểm thử (trong 3 khâu của ngành công nghiệp chip bán dẫn), Đà Nẵng đang xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng vi mạch bán dẫn, đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố và các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút chuyên gia, nhà đầu tư đến thành phố làm việc, nghiên cứu, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và AI.
Mục tiêu của thành phố là tăng cường thiết lập nhiều hơn các đối tác, tổ chức đào tạo, các doanh nghiệp để phát triển đội ngũ giảng viên nguồn và kỹ sư cho thành phố, cung ứng cho thị trường, hướng đến mục tiêu cùng chia sẻ các giá trị và lợi ích chung.
Hội thảo diễn ra 2 phiên thảo luận bàn tròn về hai chủ đề chính liên quan đến đào tạo và thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Các đại biểu và khách mời tham dự rất quan tâm chủ đề giáo dục đại học và nghiên cứu đào tạo, nhiều đề xuất về cơ chế cấp học bổng cho học sinh xuất sắc được thảo luận và đưa ra các giải pháp khả thi.
Nhiều đại biểu đề nghị thành phố Đà Nẵng và phía bang Oregon có thể xúc tiến hợp tác lĩnh vực giáo dục thông qua việc tổ chức các khóa học ngắn hạn, trao đổi giảng viên và học sinh Việt Nam – Oregon và ngược lại.
Cùng với đó, chủ đề hợp tác phát triển thiết kế vi mạch bán dẫn và AL được nhiều sự quan tâm với sự tham gia thảo luận của ông Dan Malinaric, Phó Chủ tịch Tập đoàn Microchip Techology; bà Jennifer Purcell, Giám đốc Quỹ Oregon sẵn sàng cho tương lai (Future Ready Oregon); bà Sarah Means, Quản lý bán dẫn Văn phòng Thống đốc bang Oregon.
Theo đó, năm 2023, sau khi đạo luật CHIPS của Mỹ có hiệu lực, chính quyền bang Oregon đã phê duyệt 240 triệu USD tài trợ và cho vay 15 doanh nghiệp để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại bang, một trong những trụ cột kinh tế của khu vực.
Quỹ Oregon sẵn sàng cho tương lai cũng đã chi 200 triệu đô la Mỹ để phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự cũng như đưa ra các chương trình đào tạo định hướng cho vi mạch nhằm tăng cường thiết lập cộng tác và tính đa dạng cho nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Các chương trình đào tạo STEM và chương trình “đào tạo thiết kế, sản xuất, lắp ráp, kiểm tra, đóng gói vi mạch” cũng đã chính thức được ra mắt vào tháng 1–2024.
Các đại biểu tham dự hội thảo Đầu tư vào Đà Nẵng – lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÁC |
Các đại biểu bang Oregon cho rằng, lĩnh vực vi mạch bán dẫn cần được tiếp cận dựa trên cơ sở nguồn nhân lực và nhấn mạnh đây là thời điểm vàng để thành phố Đà Nẵng đón đầu các cơ hội hợp tác, phát triển lĩnh vực này.
Thành phố cần chú trọng xây dựng cơ sở vững chắc về hạ tầng, chính sách và nguồn nhân lực, cùng với sự trợ lực từ việc thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài – FDI, tổ chức các khóa đào tạo bài bản về thiết kế vi mạch, Đà Nẵng có thể thành công thực hiện hóa được tầm nhìn xây dựng “Bãi biển silicon” tại Đà Nẵng tương tự như “Thung lũng Sillicon” tại Hoa Kỳ.
PV