Việt Nam – thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài
Tham luận tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra tại Italia trong hai ngày 18 và 19/7/2024, về nội dung đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Đức Thương – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, hai nước Việt Nam – Thụy Sỹ còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thương cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, Thụy Sỹ có 214 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 2,028 tỷ USD, đứng thứ 21/146 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thương – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, hai nước Việt Nam – Thụy Sỹ còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp |
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Thụy Sỹ có 7 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký 1,14 triệu USD. Ngoài ra còn 3 lượt dự án điều chỉnh với số vốn điều chỉnh tăng thêm 104,73 triệu USD, 7 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 0,38 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 106,25 triệu USD, tăng hơn 6,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thụy Sỹ là nước có tổng vốn đầu tư đăng ký đứng thứ 12 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024.
Vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2024 của Thụy Sỹ tăng mạnh như vậy là do Nestlé Việt Nam vừa quyết định đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy này lên tới hơn 500 triệu USD.
Phân tích những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư của Thụy Sỹ tại Việt Nam, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thương cho biết, về thuận lợi: Theo thống kê của Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ, hiện có khoảng 60 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Các công ty Thụy Sỹ đã tạo ra hàng nghìn việc làm tại Việt Nam thông qua các dự án đầu tư, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hầu hết đầu tư của Thụy Sỹ tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Qua khảo sát tại các hiệp hội, các doanh nghiệp sở tại, thì Việt Nam là thị trường hấp dẫn đầu tư nước ngoài và Thụy Sỹ nhờ những yếu tố:
Một là, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Sự tăng trưởng năng động này tạo ra một môi trường hấp dẫn cho đầu tư.
Hai là, có vị trí chiến lược: Vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á mang lại khả năng tiếp cận các tuyến vận tải biển chính và sự gần gũi với các thị trường lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN.
Ba là, hội nhập quốc tế sâu rộng: Doanh nghiệp Thụy Sỹ đánh giá cao các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CTTPP.
Bốn là, lực lượng lao động trẻ và năng động: Việt Nam có lực lượng lao động đông đảo, trẻ và có tay nghề ngày càng nâng cao, điều này rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Năm là, môi trường chính trị ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sáu là, Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khác nhau cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm ưu đãi miễn giảm thuế, ưu đãi sử dụng đất… Doanh nghiệp Thụy Sỹ đánh giá cao việc Việt Nam thành lập Khu thương mại tự do đầu tiên vào tại Đà Nẵng năm 2025. Điều này sẽ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bảy là, thị trường tiêu dùng ngày càng phát triển: Với tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, Việt Nam có thị trường ngày mở rộng về hàng tiêu dùng và các loại hình dịch vụ, có thể thu hút các công ty Thụy Sỹ trong các lĩnh vực này.
Cải cách hành chính để thu hút đầu tư từ Thụy Sỹ
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động đầu tư giữa hai nước còn gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến việc hai nước chưa có Hiệp định thương mại song phương: Theo ý kiến doanh nghiệp sở tại, thời gian tới Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Philippines. Việc hai bên chưa có FTA cũng là thách thức cho các doanh nghiệp Thụy Sỹ muốn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, Ấn Độ mới ký FTA với khối EFTA đầu năm 2024. Trong khu vực ASEAN, Singapore, Indonesia và Philippines đã có FTA với khối EFTA, còn Thái Lan, Malaysia cũng đang đàm phán FTA như Việt Nam.
Cùng đó là những thiếu sót về cơ sở hạ tầng: Mặc dù đã có những cải thiện nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, logistics và năng lượng.
Hay những rào cản pháp lý có lúc còn phức tạp và chậm trễ, với việc thực thi luật pháp và quy định đôi lúc không nhất quán; Lao động có tay nghề còn hạn chế trong một số lĩnh vực chuyên môn: Trong khi lực lượng lao động nói chung còn trẻ và năng động, Việt Nam lại thiếu các chuyên gia có tay nghề cao trong các lĩnh vực chuyên môn như các ngành sản xuất công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến.
Không những vậy, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn đề đáng lo ngại, có thể là rào cản đối với các công ty nước ngoài, nhất là về công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Để đẩy đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt nhằm phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ kiến nghị, đề xuất.
Thứ nhất, do đặc điểm của nền kinh tế Thụy Sỹ, những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước này là: Cơ khí (đặc biệt là cơ khí chính xác); Thiết bị y tế; Hóa dược; Công nghệ thông tin-Số hóa; Năng lượng tái tạo; Công nghiệp thực phẩm…
Thứ hai, thúc đẩy đàm phán và ký kết FTA với khối EFTA (trong đó có Thụy Sỹ) nhằm tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, công nghiệp giữa hai nước. Theo kinh nghiệm FTA giữa EFTA và Ấn Độ mới ký đầu năm 2024, cần bổ sung chương Hợp tác và xúc tiến đầu tư vào FTA để thúc đẩy đầu tư của Thụy Sỹ và EFTA vào Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới giao thông, cung cấp năng lượng và kết nối số hóa để giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp.
Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo thực thi nhất quán các quy định và đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận môi trường kinh doanh hơn.
Thứ năm, tập trung phát triển lực lượng lao động có tay nghề bằng cách tăng cường hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo nghề và hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đặc thù.
Thứ sáu, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ để tạo dựng niềm tin cho các công ty Thụy Sỹ, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới.
Thứ bảy, tiếp tục duy trì môi trường chính trị ổn định và các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý để tạo môi trường đầu tư an toàn.
Thứ tám, khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững và đầu tư vào côngnghệ xanh, phù hợp với xu hướng toàn cầu và năng lực của Thụy Sỹ về bảo vệ bền vững môi trường.
Thứ chín, tăng cường vai trò của các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư, đồng thời tổ chức thêm các diễn đàn kinh doanh và sự kiện kết nối để giới thiệu cơ hội tại Việt Nam cho các nhà đầu tư Thụy Sỹ.
Cuối cùng, tận dụng mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ hơn thông qua các hiệp định hợp tác song phương và trao đổi các đoàn.