Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường Đà Nẵng đã trở lại bình thường với lượng hàng dồi dào. Nguồn cung hàng hóa được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuẩn bị từ trước Tết nên nguồn hàng đa dạng, phong phú, giá cả khá ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân.
Nguồn hàng dồi dào, giá cả nhiều mặt hàng vẫn giữ ở mức ổn định so với trước Tết Nguyên đán. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Thời điểm này, một số mặt hàng được tiêu thụ nhiều như rau, củ, thủy hải sản, thịt, trứng,… cũng không có nhiều biến động về giá. Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố cho thấy giá rau xanh không tăng so với ngày thường. Cụ thể như su hào từ 5.000 – 7.000 đồng/củ, cà rốt 10.000 – 13.000 đồng/kg, súp lơ xanh 10.000 – 15.000 đồng/cây, cải bắp 10.000 đồng/kg, rau cần 10.000 – 15.000 đồng/bó, cải cúc 7.000 – 10.000 đồng/bó, rau mồng tơi khoảng 10.000 đồng/bó…
Đồng thời, mặt hàng thịt gà, bò, heo cũng được bày bán nhiều hơn, giá không tăng song sức mua thấp. Theo đó, thịt bò từ 250.000 – 280.000 đồng/kg, thịt heo 100.000 – 120.000 đồng/kg, thịt gà 115.000 – 140.000 đồng/kg.
Chị Hoàng Lan Anh (tiểu thương hàng thịt chợ Bắc Mỹ An) cho hay, nhiều gia đình vẫn còn tích trữ nhiều loại thịt trong dịp Tết nên sức mua không cao. Nguồn hàng hiện có cũng đủ đáp ứng nhu cầu người dân nên không nhập thêm nhiều tránh tình trạng tồn đọng. Các mặt hàng gia dụng, thời trang… hay kinh doanh dịch vụ vẫn chưa hoạt động trở lại hoặc chỉ mở cửa để “lấy ngày”. Nhiều người có phương án nghỉ lễ dài nên sức mua trên địa bàn thành phố thấp. Riêng mặt hàng hải sản có sức mua tăng do nhu cầu thay đổi khẩu vị sau Tết. Cá nục có giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, tôm khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại, cá giò từ 120.000 – 150.000 đồng/kg, cá dìa 150.000 – 180.000 đồng/kg… Đặc biệt, một số loại hoa quả như quýt, táo, chuối… hay đồ lễ giá tăng nhẹ từ 5 – 10% so với giá thường ngày do nhu cầu cúng bái đầu năm.
Từ ngày 15-2, nhiều hàng quán đã mở cửa trở lại, khảo sát tại các tuyến đường như Châu Thị Vĩnh Tế, Nguyễn Văn Thoại, Trần Cao Vân, Hà Huy Tập, Phạm Như Xương… lượng cửa hàng hoạt động chiếm trên 80%, hầu hết lượng khách tới đông. Nhiều điểm phục vụ các món ăn đặc sản Đà Nẵng như mì Quảng, bún chả cá, bánh tráng cuốn thịt heo… thu hút đông đảo thực khách.
Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn trên đường Châu Thị Vĩnh Tế (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, khách trong 2 ngày (15 đến 16-2) tăng từ 200-300% so với những ngày trước Tết. Theo đó, giá cả các món ăn cũng tăng trung bình 5.000 đồng/món để cân đối thu, chi.
Anh Nguyễn Huy Hiền (phường Hà Khê, quận Thanh Khê) cho hay, sau Tết Nguyên đán, nhiều cửa hàng, cơ sở phục vụ ăn uống tăng giá món ăn từ 15-25% trên thực đơn.
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố, đơn vị đang thực hiện phối hợp với các đơn vị khác như Sở Công Thương, công an, thuế để tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất có dấu hiệu thiếu minh bạch trong giá cả, nguồn gốc sản phẩm sau Tết Giáp Thìn 2024. Kiên quyết xử lý dứt điểm các tình trạng chặt chém du khách, người dân, thiếu minh bạch trong kinh doanh nhằm xây dựng môi trường kinh doanh công khai, lành mạnh. Trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra được 1.844 vụ (tăng 66,2% so với cùng kỳ năm 2022); xử lý 1.517 vụ (tăng 123,42% so với cùng kỳ năm 2022). Tịch thu và buộc tiêu hủy hơn 6.000 đơn vị hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính có trị giá hơn 958 triệu đồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố tháng 2-2024 ước đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 11.709 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2023. Lượng khách và sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chuỗi cửa hàng những ngày trước Tết Giáp Thìn 2024 tăng 25 – 35% so với ngày thường.
Tại các chợ truyền thống tuy không sôi động bằng nhưng lượng khách cũng tăng 10 – 20% so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng như bánh kẹo, mứt, hoa tươi, trái cây…Nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm…đã được tổ chức trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như Hội chợ Xuân, Lễ hội Tết Việt Hòa Vang, Chợ Tết Công đoàn, Hội Hoa xuân…, cùng nhiều chương trình khuyến mại của các tổ chức, doanh nghiệp; hàng hóa đa dạng, phong phú.
Sở Công Thương Đà Nẵng đã chủ động làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu, trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ lớn chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ Tết với tổng giá trị dự ước khoảng 2.580 tỷ đồng. (Nguồn: Sở Công thương).
|
CHIẾN THẮNG – THANH NHÀN