Chi phí xây dựng sớm đường cất hạ cánh thứ hai tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ước khoảng 3.455 tỷ đồng, sẽ được cân đối trong tổng thể Dự án thành phần 3 đang được triển khai.
Những nội dung điều chỉnh
Đã vỡ vạc thêm những thông tin liên quan việc xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai – Cảng hàng không quốc tế Long Thành kể từ khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) có Tờ trình số 3434/TTr-TCTCHKVN gửi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).
Trong tờ trình vừa được gửi tới Bộ GTVT này, ACV đề nghị Bộ GTVT xem xét, tiếp tục đại diện Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó, Bộ GTVT là cơ quan đại diện Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I và Nghị quyết số 95/2019/QH14 về phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc ACV cho biết, hạng mục bổ sung này bao gồm việc xây dựng đường cất hạ cánh dài 4.000 m theo hướng 05L/23R; xây dựng đường lăn song song, hệ thống đường nối; hệ thống đèn tín hiệu, biển báo đường cất hạ cánh, đường lăn; hệ thống trang thiết bị quản lý bay và các công trình khác đồng bộ, đảm bảo khai thác.
Hạng mục này sẽ hoàn thành đồng bộ cùng Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (năm 2026).
Theo lãnh đạo ACV, khu vực xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai nằm hoàn toàn trong phạm vi đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I là 1.810 ha đã được giải phóng mặt bằng, ACV đã nhận bàn giao triển khai dự án và diện tích này đã hoàn thành công tác thi công san nền, thoát nước giai đoạn I.
“Toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình hạ tầng đồng bộ khác sẽ được sử dụng vốn của ACV không sử dụng bảo lãnh Chính phủ”, lãnh đạo ACV thông tin.
Cần phải nói thêm, ACV muốn Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I là bởi Nghị quyết số 94/2015/QH13 được Quốc hội phê duyệt trên cơ sở xem xét Tờ trình số 360/TTr-CP ngày 1/10/2014 và Báo cáo số 241/BC-CP ngày 26/5/2015 của Chính phủ (do Bộ GTVT thừa ủy quyền đại diện Chính phủ ký trình).
Trong đó, khoản 6, Điều 2 quy định: thời gian và lộ trình đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai sẽ nằm trong giai đoạn II và có cấu hình mở; Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Tại Nghị quyết số 95/2019/QH14, Quốc hội đã thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I trên cơ sở xem xét Tờ trình số 450/TTr-CP ngày 7/10/2019 của Chính phủ (cũng do Bộ GTVT thừa ủy quyền đại diện Chính phủ ký trình).
Trong đó, quy định “đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”.
“Chính vì vậy việc điều chỉnh hai nghị quyết của Quốc hội là cơ sở pháp lý để ACV có thể triển khai xây dựng sớm đường cất hạ cánh thứ hai để có thể hoàn thành đồng bộ với các hạng mục khác của Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I”, đại diện ACV cho biết.
Theo đại diện ACV, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các cảng hàng không quốc tế đóng vai trò cửa ngõ, có công suất thiết kế khoảng 25 triệu lượt hành khách/năm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I đều có 2 đường cất hạ cánh song song kết nối với nhau.
Theo đó, các sân bay có 2 đường cất hạ cánh trong nước là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; ở các nước châu Á là Cảng hàng không quốc tế Kansai/Osaka (sản lượng 18 triệu lượt hành khách/năm, gồm 2 đường cất hạ cánh), Cảng hàng không quốc tế Thượng Hải (sản lượng 28 triệu lượt hành khách/năm, gồm 3 đường cất hạ cánh: một cặp đường cất hạ cánh song song gần và một đường cất hạ cánh song song xa).
Lợi ích nhiều bề
Được biết, trong quá trình triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, ACV – chủ đầu tư Dự án thành phần 3 “Các công trình thiết yếu tại cảng hàng không”, nhà đầu tư khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I nhận thấy, nhu cầu triển khai đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai song song và kết nối với đường cất hạ cánh thứ nhất ngay trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I là hết sức cần thiết và sẽ đem lại nhiều lợi ích trong quá trình vận hành, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau này.
Cụ thể, việc có thêm đường cất hạ cánh thứ hai song song và kết nối với đường cất hạ cánh thứ nhất sẽ góp phần nâng cao năng lực đảm bảo an toàn bay, đảm bảo tính ổn định vận hành xuyên suốt phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I ngay cả khi có sự cố tại đường cất hạ cánh thứ nhất, đồng thời nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả khai thác của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Bên cạnh đó, việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai ngay trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I để sẵn sàng đưa vào khai thác đồng bộ cùng nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh thứ nhất sẽ góp phần tối ưu hóa hoạt động khai thác và nâng cao hiệu quả kinh tế cho tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I ngay khi đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, trong trường hợp đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I đã hoàn thành và đưa vào khai thác thì hoạt động thi công (gây bụi, tiếng ồn; cần đấu nối hạ tầng, hệ thống điều khiển kỹ thuật; cần đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân thường xuyên ra vào khu bay…) có thể ảnh hưởng, thậm chí làm gián đoạn việc khai thác trong một số thời điểm.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai ngay trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I để sẵn sàng đưa vào khai thác đồng bộ cùng nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh thứ nhất sẽ góp phần tối ưu hóa hoạt động khai thác và nâng cao hiệu quả kinh tế cho tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I ngay khi đưa vào hoạt động.
“Việc thi công đường cất hạ cánh thứ hai ngay trong quá trình thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I giúp việc tổ chức thi công tổng thể gặp nhiều thuận lợi, như tận dụng được nguồn nhân lực, trang thiết bị có sẵn tại công trường, tiết kiệm thời gian, tránh phát sinh thêm chi phí”, ông Nguyễn Đình Chung, Giám đốc ADCC cho biết.
Trong thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (điều chỉnh), đơn vị tư vấn cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án giao ACV là chủ đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai và đưa đường cất hạ cánh thứ hai song song, kết nối trực tiếp với đường cất hạ cánh thứ nhất vào Dự án thành phần 3 – Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư hạng mục đường cất hạ cánh thứ hai – Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I ước khoảng 3.455,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 2.244,9 tỷ đồng, chi phí thiết bị 368 tỷ đồng, chi phí quản lý và tư vấn 391,9 tỷ đồng và chi phí dự phòng 450,7 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACV cho biết, chi phí đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai sẽ được cân đối trong tổng thể Dự án thành phần 3 – Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I đã được phê duyệt (99.019,261 tỷ đồng) trên cơ sở tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng của các hạng mục khác, như tiết kiệm trong quá trình lập dự toán xây dựng so với lập tổng mức đầu tư; tiết kiệm trong quá trình lựa chọn nhà thầu so với giá gói thầu, tiết kiệm trong quá trình thực hiện hợp đồng…
“Điều này giúp không gây phát sinh tăng tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3, không làm ảnh hưởng tới sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 94/2015/QH13”, lãnh đạo ACV phân tích.
Được biết, đầu tháng 9/2024, Bộ GTVT có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai – Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo nhận định của Bộ GTVT, nội dung đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai của ACV ngay trong giai đoạn này chưa phù hợp về thời điểm, vị trí đầu tư theo quy mô phân kỳ được Quốc hội quyết nghị tại chủ trương đầu tư Dự án, nên cần phải thực hiện thủ tục trình, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, cụ thể là điều chỉnh nội dung tại khoản 6, Điều 2, Nghị quyết số 94/2015/QH13.
Việc báo cáo Bộ GTVT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án chỉ thực hiện khi Dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật. Trong khi theo nội dung đề xuất, ACV sử dụng vốn của doanh nghiệp để đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai, nên cần thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 34, Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 31, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
“Trước nhu cầu cấp thiết cần sớm triển khai đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai để bảo đảm hoàn thành đồng bộ cùng với giai đoạn I của Dự án, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, có ý kiến về thủ tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư hay pháp luật khác có liên quan làm cơ sở để Bộ GTVT phối hợp với ACV hoàn thiện hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề xuất.