Ngoài các loại hoa truyền thống, nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn trồng nhiều loại hoa, cây cảnh được lai tạo mới, lạ nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và xu hướng của thị trường Tết.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, vườn hoa của chị Lê Anh đã tăng số lượng trồng hoa treo trong vụ Tết năm nay. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Qua ghi nhận tại nhiều vùng trồng hoa lớn như Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Phong… (huyện Hòa Vang), các hộ trồng hoa đang tất bật chăm sóc để hoa nở đúng ngày Tết. Bên cạnh loại hoa chủ lực chiếm số lượng lớn là cúc, thì các loại hoa treo mini, hoa thảm đã được trồng nhiều hơn các năm. Trên diện tích 4.000m2, ông Phan Đình Phùng (làng hoa Vân Dương, xã Hòa Liên) đang trồng hơn 20.000 chậu hoa đa chủng loại như mắt nai, xác pháo, thu hải đường, hướng dương… Trong đó, mắt nai 3.000 chậu, xác pháo 3.000 chậu, cúc lá nhám 2.000 chậu, cúc pico 2.000 chậu, hướng dương 2.000 chậu…
Ông Phùng chia sẻ, ông không trồng cúc như đa số các hộ khác trong vùng vì chưa có kinh nghiệm nên hướng đi của ông là trồng các loại mới ít rủi ro hơn. Các loại hoa này được lấy giống từ trong miền Tây với đặc tính dễ trồng, ít bị bệnh và không cần phun thuốc. Đặc biệt, mắt nai là loại hoa mới nhất được đưa vào trồng tại vườn với màu sắc rực rỡ, giữ được lâu, qua một tháng Tết vẫn còn tươi. Ngoài mắt nai, các loại hoa khác cũng có sức tiêu thụ tốt và đang là xu hướng của thị trường khoảng 2 năm trở lại đây. Theo đó, thị hiếu của người tiêu dùng đang thiên về các loài hoa màu sắc rực rỡ như vàng, đỏ, tím và đặc tính là bền màu, tươi lâu; hình dáng gọn nhẹ có thể đặt bàn, treo, phù hợp với khuôn viên, không gian diện tích hẹp.
Tại làng hoa Gò Giảng (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong), hàng nghìn chậu hoa Tết đang được các nhà vườn miệt mài chăm sóc. Trong khu vườn rộng hơn 1,5ha của chị Lê Anh (Thụy Du Garden) đang có mô hình trồng hoa treo ứng dụng công nghệ cao với rực rỡ sắc màu. Để phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường dịp Tết, vườn của chị đã phải tăng số lượng lên hơn 70.000 chậu (tăng 30% so với năm trước) với hơn 20 loại hoa như dạ yến thảo, mai dạ thảo, xác pháo, thu hải đường, diễm châu…; mỗi loại trồng từ 5.000 đến 15.000 chậu.
Chị Lê Anh cho biết: “Năm nay cúc mâm xôi Hàn Quốc có màu đỏ nổi bật được tôi đưa vào trồng phục vụ khách hàng. Đây cũng là loại hoa mới của Đà Nẵng, trong khi thị trường miền Tây đã thịnh hành 2 năm nay. Vườn trồng với số lượng 5.000 chậu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Do đó, vụ sang năm vườn dự kiến sẽ tăng số lượng và đầu tư hệ thống tưới nước ống dây cho loại hoa này. Mặt khác, trên thị trường hiện nay, dòng hoa treo đang tăng nhanh về sức tiêu thụ và được khách hàng yêu thích. Để hoa lên màu đẹp và tươi lâu, đòi hỏi các nhà vườn phải chọn những giống hoa có chất lượng cao cũng như nắm vững quy trình kỹ thuật của từng loại. Hiện tại, hoa treo mini các loại đang có giá dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/chậu”.
Trong khi đó, tại vùng sản xuất hoa tập trung của Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu), các hộ trồng hoa đã tăng thêm nhiều loại hoa. Các hội viên trong tổ thường xuyên đổi mới chủng loại hoa chất lượng như hoa lan Mokara, hoa treo dạ yến thảo, hoa hồng, hoa giấy, hoa chuông, hoa mười giờ, các loại cây trang trí phong thủy…
Ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn thông tin, tổ có 21 người trồng hoa, trong đó có 3 hộ làm hoa treo, tuy nhiên các hộ vẫn trồng số lượng chưa nhiều. Việc trồng hoa công nghệ cao đòi hỏi các hộ phải có kiến thức, kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật để hoa phát triển tốt và nở đúng vào dịp mong muốn. Vụ này, khoảng 10.000 giỏ hoa treo của tổ hợp tác sẽ được xuất ra thị trường và về lâu dài, một số loại hoa mới tiếp tục được nghiên cứu đưa vào thử nghiệm, nhân rộng như: cát tường, mãn đình hồng, thu hải đường… Qua đó, các loại hoa mới sẽ thay thế dần một số loại phổ biến không còn được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, thị trường quất cảnh Đà Nẵng được cung ứng chủ yếu bởi các nhà vườn tại Hội An. Đây là loại cây không được trồng nhiều và khó trồng thành công tại Đà Nẵng vì lý do thời tiết. Song, anh Nguyễn Bá Minh (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) được biết đến là người trồng quất cảnh thành công với số lượng từ 100-150 cây trong 5 năm qua. Vụ Tết này, anh Minh trồng hơn 150 cây quất cảnh trên diện tích khoảng 500m2.
“Tuy việc trồng quất cảnh tại Đà Nẵng sẽ gặp khó hơn các nơi khác, nhưng nếu tôi trồng thành công sẽ là nguồn động lực cho các hộ khác trên địa bàn thành phố. Tôi đã học tập kinh nghiệm trồng quất cảnh từ người thân đang trồng ở Hội An – nơi được coi là thủ phủ trồng quất cảnh của miền Trung. Năm nay, tôi trồng nhiều hơn so với các năm, nhưng vì thời tiết không thuận lợi đã thiệt hại khoảng 30% tổng số lượng cây. Dự kiến đợt Tết này, tôi sẽ cung ứng cho thị trường gần 100 chậu quất cảnh với giá cao nhất là 3 triệu đồng/chậu”, anh Minh cho hay.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca, vụ Tết năm nay, cúc vẫn là loại hoa chủ lực được trồng tại địa phương, cùng với đó, quy mô sản xuất của các loại hoa khác và hoa treo đã tăng 20% so với năm trước. Cụ thể, số lượng cúc là hơn 114.000 chậu, các loại hoa khác với gần 120.000 chậu và hoa treo là gần 50.000 chậu. Các vùng sản xuất hoa tại địa phương cung ứng chủ yếu cho thị trường thành phố và các vùng phụ cận. Ngành nông nghiệp huyện rất quan tâm và hỗ trợ giống cũng như chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà màng, nhà lưới… cho các hộ trồng hoa treo. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích bà con trồng các loại hoa, cây cảnh mới phù hợp với yếu tố thời tiết, khí hậu… của địa phương nhằm bắt kịp thị hiếu thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế.
TRẦN TRÚC – THANH NHÀN