Ngày 9-11, Ban Đô thị HĐND thành phố tổ chức tọa đàm “Các vướng mắc và kiến nghị liên quan đến hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Tại đây, các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia bày tỏ nhiều khó khăn cần xử lý trong lĩnh vực xây dựng.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Lê Tùng Lâm phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Ông Lê Tùng Lâm, Trưởng Ban đô thị HĐND thành phố cho rằng, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông các nguồn lực đầu tư, góp phần giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp, ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các địa phương gặp không ít vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đánh giá của Hội Xây dựng thành phố, một trong những trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chính là thủ tục pháp lý về đất đai, đấu thầu… Các dự án thường gặp phải điểm nghẽn, nút thắt với nhiều loại giấy phép về xây dựng, phê duyệt quy hoạch, đến việc xử lý các tranh chấp đất đai. Chính sự phức tạp và chồng chéo trong các quy định pháp luật khiến không ít dự án mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục, thậm chí bị “đóng băng” trong thời gian dài.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn kiến trúc Bình Long Vinh (ARCH) cho hay, việc xin chủ trương đầu tư dự án gặp rất nhiều trở ngại, bởi quy trình xin cấp chủ trương đầu tư thường đòi hỏi nhiều hồ sơ, giấy tờ pháp lý và cần thông qua nhiều cấp xét duyệt. Điều này kéo dài thời gian và tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Lâm Quang Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố cho biết, quy định của pháp luật đối với việc phê duyệt dự án mất rất nhiều thời gian, thủ tục nhiều cũng khâu, nhiều bước, chồng chéo. Đơn cử như, khi triển khai thực hiện dự án đầu tư theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì yêu cầu dự án đầu tư phù hợp các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, hướng đến quy hoạch chi tiết…
Tuy nhiên, trong Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20-6-2023 của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng) thì việc triển khai dự án phải lập các quy hoạch chi tiết để thực hiện dự án đầu tư nên mất rất nhiều thời gian và chi phí…
Theo ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, vấn đề giải phóng mặt bằng chậm cũng là một trong những trở ngại đáng kể cho các dự án xây dựng. Vì vậy, cần phải tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cũng như tập trung rà soát và đơn giản hóa các quy định pháp lý, tránh tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn giữa các cơ quan Nhà nước.
Đại diện Sở Giao thông vận tải thành phố nêu thực trạng một số dự án gặp vấn đề vì thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý. Điều này có thể dẫn đến các sai sót về kỹ thuật, lãng phí nguồn lực. Việc xây dựng một hệ thống quản lý và giám sát hiệu quả là điều vô cùng quan trọng để bảo đảm chất lượng công trình và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Bên cạnh đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Kết luận tọa đàm, ông Lê Tùng Lâm cho hay, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Ban Đô thị HĐND thành phố sẽ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
“Việc giải quyết những vướng mắc trong hoạt động xây dựng là một bước đi thiết yếu để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Sự hợp tác giữa các bên, từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân là chìa khóa để vượt qua những thách thức hiện tại. Bằng cách tháo gỡ những nút thắt này, chúng ta không chỉ tạo điều kiện cho các dự án được thực hiện hiệu quả hơn mà còn xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài”, ông Lâm nhấn mạnh.
TRỌNG HÙNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202411/thao-go-vuong-mac-trong-hoat-dong-xay-dung-3993832/