ĐNO – Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại tọa đàm “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian đến” do Thường trực Thành ủy tổ chức chiều 16-5. Cùng chủ trì tọa đàm có TS. Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc tại tọa đàm chiều 16-5. |
Phát biểu đề dẫn, TS.Võ Công Trí cho biết, tọa đàm là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Khoa học – Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18-5-1963 – 18-5-2024), góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của trí thức và trách nhiệm của trí thức đối với đất nước; động viên đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ thành phố nêu cao lòng tự hào và trách nhiệm, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chất, năng lực, trình độ đóng góp cho sự phát triển của đất nước và thành phố.
Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ trí thức, thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh nhằm phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức; bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức hoạt động, phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới – bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt với những đột phá về công nghệ mang đến sự thay đổi vượt bậc về việc làm, sản xuất, chất lượng cuộc sống, đòi hỏi thành phố phải có những đột phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển nguồn nhân lực KH&CN để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Vì vậy, cần thiết có các giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tập hợp, sử dụng, phát huy, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 27-3-2024 của Thành ủy Đà Nẵng, góp phần xây dựng nguồn nhân lực KH&CN thành phố.
Phát triển nguồn nhân lực cần có cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả và đồng bộ, không chỉ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mới, mà còn phải tạo động lực giữ chân được lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ đang làm việc tiếp tục cống hiến, đóng góp; khơi dậy được niềm đam mê học các môn khoa học tự nhiên cho học sinh phổ thông để các em tiếp tục học, làm KH&CN trong tương lai.
Ngoài ra, còn phải đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác, tham gia hoạt động khoa học trong nước.
Báo cáo tại tọa đàm, thành phố hiện có 12 trường đại học, ngoài ra còn có các viện và các khoa đào tạo trực thuộc Đại học Đà Nẵng, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo của các trường đại học ngoài thành phố. Trong số này, Đại học Đà Nẵng có đội ngũ trí thức đông đảo nhất với hơn 2.100 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có hơn 110 giáo sư, phó giáo sư, 450 tiến sĩ.
Tiếp đến là Trường Đại học Duy Tân với hơn 1.000 người, trong đó có hơn 50 giáo sư phó giáo sư, 170 tiến sĩ.
Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Võ Công Trí báo cáo đề dẫn tại tọa đàm. |
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật có 32 hội thành viên với gần 160.000 hội viên tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong khi đó, văn nghệ sỹ thành phố được tập hợp sinh hoạt trong Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật với 9 hội chuyên ngành và khoảng 1.300 hội viên.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở Đà Nẵng có bằng đại học trở lên chiếm tỷ lệ gần 80%, trong đó khoản hơn 60 tiến sĩ. Lực lượng cán bộ trong 4 ngành công nghệ cao trong thời gian qua đuợc quan tâm đào tạo, đặc biệt là hai lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, đa phần là lực lượng cán bộ trẻ.
Đồng thời, số lượng trí thức còn phân bố rộng rãi trong các doanh nghiệp (hơn 143.000 ngườii), lực lượng quân sự thành phố (hơn 300 người), lực lượng biên phòng thành phố (hơn 200 ngừời), lực lượng công an thành phố (khoảng 2.500 người)… Ngoài ra còn có các chuyên gia là trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đang có các hoạt động hợp tác với các cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng.
Tọa đàm đã lắng nghe nhiều ý kiến, đề xuất của các đại biểu về các vấn đề như: công tác phát triển nguồn nhân lực; giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đội ngũ trí thức KH&CN; cơ chế đột phá huy động nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức; giải pháp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của thành phố và trách nhiệm của trí thức chung tay xây dựng thành phố…
Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, ngành KH&CN luôn có đóng góp ổn định bền vững, tham gia vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố.
Trong thời gian đến, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của KH&CN, tạo điều kiện để ngành KH&CN phát triển, đặc biệt là nâng cao vai trò người đứng đầu trong việc sử dụng nguồn nhân lực trí thức.
Thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực cho KH&CN, nghiên cứu nhiều chính sách để phát triển KH&CN, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với nhân lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt ưu tiên tập trung các ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng đẩy mạnh thu hút chuyên gia đầu ngành để tham gia các dự án hoặc nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu để đưa những đề tài dự án khoa học phát triển rộng rãi hơn. Đảng đoàn các Liên hiệp Khoa học và kỹ thuật thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đội ngũ trí , tiếp tục nâng cao về chất lượng và số lượng, tham gia các đề tài nhằm hiến kế và phản biện cho thành phố
Đại học Đà Nẵng và các đại học trên địa bàn thành phố tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư hạ tầng cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Đại học Đà Nẵng cần tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
MAI QUẾ – VĂN HOÀNG