Tập trung đầu tư hệ thống thoát nước đô thị và cải tiến kỹ thuật
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bao gồm các hệ thống thoát nước chung, thoát nước riêng và hệ thống thoát nước nửa riêng và các hồ điều tiết. Hệ thống thoát nước tại các khu vực trung tâm của thành phố chủ yếu là hệ thống thoát nước nửa riêng.
Khi không có mưa hoặc mưa nhỏ, nước thải và nước mưa sẽ được thu gom qua các giếng tách và hệ thống thu gom sẽ chuyển tải nước thải về các trạm xử lý nước thải tập trung theo lưu vực thu gom của từng trạm. Khi có mưa lớn, nước mưa và nước thải hòa trộn vượt ngưỡng tràn, chảy vào nguồn tiếp nhận như kênh, sông, hồ, biển.
Toàn cảnh hội thảo
Hệ thống thoát nước chung tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại vi thành phố như khu vực phía Tây, phía Bắc và phía Nam thành phố nơi chưa có hệ thống tuyến cống bao để tách nước thải thu gom về trạm xử lý nước thải tập trung. Nước mưa và nước thải theo mạng lưới thoát nước chảy vào nguồn tiếp nhận.
Về hệ thống thu gom, thoát nước thải riêng và nước mưa, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng như Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng và dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng khu vực Mỹ An, Mỹ Khê và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam, đã chuyển nước thải tải một phần lưu vực về trạm XLNT Hòa Xuân xử lý.
Các khu đô thị mới được xây dựng trong thời gian gần đây đã phát triển hệ thống thoát nước riêng trong đó nước mưa được thu gom riêng và xả vào nguồn tiếp nhận (hồ, sông hoặc biển) còn nước thải được thu gom riêng, đưa vào hệ thống thu gom nước thải của thành phố.
Theo bà Lê Thu Thuỷ, Phó Trưởng phòng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bê tông hóa trên hầu hết diện tích bề mặt, làm suy giảm đáng kể khả năng thấm, dẫn đến toàn bộ lượng nước mưa đều chảy theo bề mặt, tập trung về cống gây quá tải. Tình trạng quy hoạch, san lấp các khu vực trũng thấp, chứa nước trước đây để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị nhưng không bố trí hoàn trả các hồ điều tiết.
Cụ thể, khu vực sân bay có mật độ bê tông hoá bề mặt lớn đã làm tăng dòng chảy nước mưa bề mặt dẫn đến nhiều khu vực xung quanh sân bay bị ngập cục bộ khi có mưa lớn như: Khu vực hồ 3 Sen Vàng, Hà Huy Tập, Trần Xuân Lê, Nguyễn Đình Tựu, Kiệt 96 Điện Biên Phủ, phường Xuân Hà, Lê Thanh Nghị, kênh Phần Lăng…
Một số cống qua đường có khẩu độ không còn phù hợp đã trở thành điểm nghẽn, thắt cổ chai làm mất tính hiệu quả của hệ thống thoát nước, gây ngập úng cho thượng lưu như: Cống đường sắt nối 2 hồ Trung Nghĩa 1 và 2 (Hồ Tây), cống đường sắt khu vực phường Tam Thuận, cống qua đường Điện Biên Phủ thoát cho lưu vực Hà Huy Tập.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, hiện nay, hệ thống thu gom và xử lý nước thải của thành phố Đà Nẵng đã được đầu tư cơ bản đồng bộ, khoảng 89,9% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình phải được thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị phải được thu gom, xử lý sơ bộ đáp ứng quy định của khu đô thị, khu dân cư tập trung hoặc quy định của chính quyền địa phương trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị.
“Nhằm quản lý chất lượng nước thải đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị của thành phố, đảm bảo các hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải và phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải tại Quyết định số 40/2020/QĐ-UBND ngày 09/11/2020 của UBND thành phố, việc quy định cụ thể mức chất lượng nước thải của các hộ thoát nước cần xử lý sơ bộ đạt trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố và phương án kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu nối nước thải của các hộ thoát nước là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy định chất lượng nước thải của các hộ thoát nước trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng,” Phó Chủ tịch Lê Quang Nam cho biết.
Kiểm soát chặt chẽ quá trình đấu nối thoát nước
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung trao đổi các vấn đề quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cấp phép thỏa thuận đấu nối thoát nước trong việc quản lý và vận hành hệ thống thoát nước đô thị hiệu quả, bảo vệ môi trường. Việc kiểm soát chặt chẽ quá trình đấu nối thoát nước của các hộ thoát nước đảm bảo việc xả nước thải của các hộ thoát nước được kiểm soát về vị trí đấu nối, lưu lượng xả thải và chất lượng nước thải và đảm bảo chất lượng nước thải đầu vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố được kiểm soát theo yêu cầu của thông số thiết kế.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận đấu nối thoát nước giúp đảm bảo nước thải được thu gom và xử lý đúng quy định trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, từ đó giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và môi trường tự nhiên. Việc cấp phép giúp quản lý tốt hơn dòng chảy của nước thải, hạn chế tình trạng tràn nước thải chưa xử lý ra môi trường, gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
GS.TS Trần Đức Hạ, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường phát biểu
GS.TS Trần Đức Hạ, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường chia sẻ, về thông số chất lượng nước thải cần được kiểm soát khi xả vào hệ thống nước thải tập trung đô thị ở Việt Nam, do đặc thù của mạng lưới thoát nước và công nghệ xử lý nước thải đô thị cũng như đặc điểm các loại nước thải đô thị, có thể được phân thành 4 nhóm: Các thông số vật lý và hóa học về điều kiện hoạt động của các công trình thoát nước và XLNT; Các thông số liên quan đến tải lượng hoạt động công trình; Các thông số độc tố hữu cơ; Các thông số kim loại nặng.
“Từ kinh nghiệm xây dựng tiêu chuẩn xả nước thải của các nước tiên tiến, các thông số chất lượng nước thải chia thành 5 nhóm: Nhóm các thông số đảm bảo điều kiện và chế độ hoạt động ổn định của công trình XLNT (thông thường là các chỉ tiêu vật lý); Nhóm các thông số liên quan đến tải lượng đầu vào các công trình (thường được xem là các thông số chỉ thị nước thải); Nhóm các thông số liên quan đến kim loại nặng; Nhóm các thông số liên quan đến độc tố hữu cơ; Nhóm vi sinh vật gây bệnh,” GS.TS Trần Đức Hạ, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường nói.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện nội dung chất lượng nước thải đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tổng hợp vào dự thảo quy định về quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định. Trong đó, xác định rõ đối tượng, phạm vi áp dụng Quy định này, lưu ý đến việc quy định cho phù hợp với đối tượng là các cơ sở/dự án đã hoàn thành đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị của thành phố và dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý cho phù hợp.
Việc quy định chất lượng nước thải khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị phải xem xét đến nhiều yếu tố, trong đó có sự phù hợp với loại hình nước thải tương ứng của các hộ thoát nước đấu nối, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các loại nước thải thuộc các ngành đặc thù đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định như y tế, xăng dầu… Lưu vực thoát nước (thoát nước nửa riêng, thoát nước riêng), phù hợp với thiết kế của các trạm xử lý nước thải tập trung trong đó phải dựa trên tải trọng đã thiết kế (khả năng chịu tải) xác định giá trị tối đa cho phép thông số ô nhiễm trong nước thải khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị.
“Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung. Thành phố tiếp tục đặt mục tiêu về Thành phố môi trường ở mức cao hơn. Việc sớm ban hành Quy định chất lượng nước thải của các hộ thoát nước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố sẽ góp phần đưa thành phố đạt mục tiêu này,” Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh.
CÔNG TÂM
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62049&_c=3