Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, quán triệt Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các văn bản hướng dẫn thi hành được UBND thành phố Đà Nẵng quan tâm chỉ đạo, triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân trong thành phố. Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, điểm nghẽn trong giai đoạn hiện nay, thành phố đã đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực KHCN&ĐMST tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2014 đến năm 2024, thành phố đã cấp 97 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho tổ chức KH&CN, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN; trong đó đã giải thể 24 tổ chức KH&CN và 12 chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức KH&CN. Hiện có 61 tổ chức KH&CN, chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn thành phố (gồm 48 tổ chức KH&CN và 13 văn phòng đại diện, chi nhánh).
Xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, là động lực, lợi thế cạnh tranh của thành phố trong việc huy động nguồn lực và phát triển kinh tế xã hội…UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án số 3919/ĐA-UBND ngày 19/7/2022 về Đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030. Trong đó có nội dung thu hút, tuyển chọn, phát triển chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc trong khu vực công; giai đoạn 2023-2024, tập trung xây dựng và hoàn thiện quy định chính sách để thành phố có thể sớm triển khai thực hiện thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài hoạt động KH&CN ở Việt Nam. UBND thành phố ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý, thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Đà Nẵng, trong đó, bao gồm lĩnh vực KH&CN (sở hữu trí tuệ, hoạt động sáng kiến, ứng phó sự cố bức xạ, Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001).
Với mục tiêu hỗ trợ các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương tiếp cận với các cơ chế chính sách, thị trường nước ngoài và được hỗ trợ pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tại các nước, thành phố đã tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các đối tác quốc tế như: Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Úc, UAE, Qatar…Qua đó, trao đổi kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, kinh nghiệm quản lý vận hành không gian đổi mới sáng tạo, thu hút các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp và kết nối các đối tác.
Liên quan đến Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, sau khi rà soát, nghiên cứu, các sở ngành thành phố cơ bản thống nhất nội dung Dự thảo, đồng thời đưa ra một số đề xuất kiến nghị và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ. Cụ thể, về hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, cần bổ sung quy định cho phép tổ chức KH&CN công lập thực hiện hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu của tổ chức KH&CN công lập và được hưởng lợi ích từ sự thành công của các doanh nghiệp được ươm tạo, bổ sung quy định về sở hữu và chuyển nhượng cổ phần trong các doanh nghiệp khởi nghiệp do tổ chức KH&CN ươm tạo nhằm tháo gỡ các rào cản về thủ tục và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện.
Về quản lý và phát triển nguồn nhân lực, hiện nay chưa có quy định, tiêu chí về chuyên gia khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để có cơ chế ưu tiên. Đồng thời, các đại biểu đề nghị trong Luật nên có điều khoản quy định chế độ chứng từ thông thoáng và nội dung này cần được các cơ quan hậu kiểm như Thanh tra, Kiểm toán và Tài chính tham mưu.
Hiện nay Quỹ khoa học công nghệ vận hành theo quy định cũ đang có nhiều vướng mắc, gần như không hoạt động được. Vì vậy, các đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản trao thẩm quyền cho các Bộ, ngành, địa phương có quyền quyết định về mô hình hoạt động của các quỹ KH&CN do mình quản lý để kịp thời thành lập hoặc điều chỉnh hoạt động của các quỹ phát triển KH&CN. Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của các Quỹ phát triển KH&CN của các địa phương trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của Sở, nhân sự yêu cầu không được hoạt động kiêm nhiệm trong khi chủ trương hiện nay đang sắp xếp tinh gọn bộ máy. Do vậy, đề nghị xem xét vẫn giữ nguyên việc cấp phát kinh phí qua dự toán trong trường hợp địa phương vẫn đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý KH&CN mà không cần thành lập Quỹ phát triển KH&CN.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao công tác chuẩn bị và báo cáo phục vụ khảo sát, thẩm tra của các đơn vị, sở ngành; đồng thời khẳng định sẽ đưa ngay các vấn đề liên quan đến việc sử dụng Quỹ khoa học, công nghệ vào Nghị quyết thí điểm, đặc biệt là trình tự thủ tục thanh, quyết toán.
Song song với đó, xem xét các nội dung hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đi vào thực tiễn, không chỉ dừng lại ở hoạt động nghiên cứu; bổ sung quy định cơ chế cụ thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ, không gian đổi mới sáng tạo, các vườn ươm doanh nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm cho chính sách để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
CÔNG TÂM
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62769&_c=3