Một nhiệm vụ quan trọng được đề cập tại Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng về logistics.
Khu vực phía sau cảng biển Liên Chiểu đang được quy hoạch để xây dựng trung tâm logistics cấp vùng, một khu chức năng của Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhiệm vụ này đang được thành phố Đà Nẵng triển khai quyết liệt, đồng bộ với các nội dung của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng để tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Lựa chọn mô hình khu thương mại tự do tích hợp
Thời gian qua, thành phố khẩn trương khảo sát và làm việc với các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học để lựa chọn 10 vị trí dự kiến xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đa phần các vị trí ở cạnh các tuyến, đầu mối giao thông thuận tiện (cảng hàng không, cảng biển, dọc tuyến đường bộ) có những điều kiện thuận lợi để có thể triển khai sớm theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra thực tế vào ngày 1-9-2024.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho rằng, mặc dù Nghị quyết số 136/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, nhưng bằng sự nhạy bén và tinh thần vào cuộc quyết liệt, thành phố đã nhanh chóng lựa chọn 10 vị trí dự kiến xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng dựa trên việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các quốc gia đã lựa chọn vị trí xây dựng khu thương mại tự do dựa trên hai tiêu chí rất rõ nét là khoảng cách tiếp cận bằng đường biển, hàng không, đường sắt; sự phân bổ các khu chức năng cụ thể. Bên cạnh đó, còn hai nhóm xu hướng hình thành, phát triển các khu thương mại tự do, gồm nhóm 1 với xu hướng sinh thái – cảng biển – logistics và công nghiệp; nhóm 2 là xu hướng đô thị và kinh doanh tích hợp mà không tập trung ở một khu vực.
10 vị trí được dự kiến chọn lựa xây dựng khu thương mại tự do ở thành phố Đà Nẵng là đan xen giữa 2 xu hướng nói trên, phân thành 3 khu chức năng gồm: các khu sản xuất, các khu logistics, khu thương mại – dịch vụ. Đặc trưng của mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng là gắn với cảng biển Liên Chiểu và không phải là một đặc khu kinh tế.
“Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp UBND thành phố xác định các thông tin có liên quan về mặt đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, địa hình, dự kiến công tác giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư, môi trường, khí hậu, quy trình thủ tục liên quan đến đất đai, thẩm quyền của từng sở, ban, ngành, địa phương… liên quan đến 10 vị trí nói trên để đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ cho thành phố trình Chính phủ xem xét, quyết định đề án xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc rất sớm trong việc triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó, đã cơ bản xây dựng hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu liên quan đến 10 vị trí được dự kiến chọn lựa để xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng, nhằm phục vụ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và cung cấp cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong việc phục vụ xây dựng khu thương mại tự do”, ông Võ Nguyên Chương nói.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, giảng viên khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đại diện nhóm tư vấn cho Sở Công Thương, trên cơ sở tổng hợp các mô hình khu thương mại tự do trên thế giới, mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng là tích hợp, đa chức năng theo cơ chế liên thông đa chức năng “khu trong khu”. Theo đó, trong 10 vị trí được dự kiến xây dựng sẽ có những khu phải chọn cơ chế “khu trong khu” và hỗn hợp chức năng (đa chức năng).
Mô hình của Đà Nẵng có sự tính toán kế thừa kinh nghiệm từ việc xây dựng các khu thương mại tự do trên thế giới kết hợp với điều kiện thực tế của thành phố. “Tầm nhìn đến năm 2030, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu vực phát triển năng động và có sức cạnh tranh cao trong Đông Nam Á, thu hút các chuỗi công nghiệp có giá trị gia tăng cao với cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, tập trung tại cảng biển Liên Chiểu. Đến năm 2040, Đà Nẵng là điểm đến quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với vai trò là trung tâm logistics và tái xuất khẩu quốc tế”, PGS.TS. Bùi Quang Bình kỳ vọng.
Xây dựng các trung tâm logistics có dịch vụ chuyên sâu
Trung tâm logistics không đơn thuần chỉ là kho, bãi để hàng hóa mà còn được tích hợp nhiều chức năng, dịch vụ (hiện có 17 loại hình dịch vụ logistics) như đóng gói, phân loại, lưu trữ, kiểm dịch, vệ sinh, khử trùng, phân phối…
Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố được định hướng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông – Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế. Hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và các trung tâm logistics chuyên dụng.
Với định hướng xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, trong đó có các trung tâm logistics là khu chức năng của khu thương mại tự do, các chuyên gia đề nghị thành phố cần định hướng phát triển các dịch vụ logistics chuyên sâu (theo mô hình 3PL, 4PL, 5PL) tại các trung tâm logistics tập trung, có chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao, nhằm tận dụng tối đa lợi thế hàng hóa qua các đầu mối vận tải trên địa bàn thành phố, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng về logistics theo Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng để phát triển khu thương mại tự do, việc đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi và các trung tâm phân phối tiên tiến. Đối với Đà Nẵng, các cảng cần được đầu tư đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng; đồng thời, phát triển các trung tâm logistics để kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế…
GS,TS. Bùi Quang Bình cũng chia sẻ, Đà Nẵng xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu nên việc phát triển dịch vụ logistics là rất quan trọng. Hiện các công ty logistics lớn của thế giới như DHL, DB Schenker, CJ Logistics, FedEx, Agility, UPS và Aramex đều đã có mặt và cung cấp dịch vụ tại Đà Nẵng. Đây là một cơ hội thuận lợi để các trung tâm logistics nói riêng và Khu thương mại tự do Đà Nẵng nói chung có thể kết nối hoạt động, mang lại hiệu quả và động lực phát triển kinh tế thành phố.
HOÀNG HIỆP – MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202411/tap-trung-nguon-luc-xay-dung-khu-thuong-mai-tu-do-va-trung-tam-logistics-3994724/