Thời gian qua trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều tuyến phố kinh doanh theo nhóm hàng và ngành hàng đặc trưng. Các tuyến phố chuyên doanh này tạo thuận lợi cho người bán và người đến mua sắm.
Phố chuyên doanh giúp tạo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông. TRONG ẢNH: Phố điện tử – kỹ thuật số đường Hàm Nghi với các ngành hàng đặc trưng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Tạo nên dấu ấn thương hiệu
Là địa bàn trung tâm của thành phố với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ, quận Thanh Khê đã triển khai hình thành các tuyến phố chuyên doanh phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng khu vực. Kinh doanh ở phố chuyên doanh hoa, cây cảnh đường Nguyễn Đình Tựu gần 8 năm qua, chị Phạm Thị Bình (chủ cơ sở hoa lan Hương Phát Lộc) cho biết: “Tất cả các cơ sở tại đây đều hướng đến chất lượng tốt nhất để giữ vững sự uy tín và giá cả cũng được bình ổn nhằm tạo sự yên tâm cho người mua. Nhờ đó, tuyến phố thu hút khách đến mua sắm, giao dịch quanh năm; khách nước ngoài đến tham quan, thưởng lãm ngày càng nhiều hơn”.
Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê thông tin, đến nay 5 tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn quận đã đi vào hoạt động ổn định, định hình rõ nét, tạo được thương hiệu riêng đến với người dân và du khách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, các tuyến phố vẫn còn hoạt động cầm chừng, tỷ lệ ngành hàng chuyên doanh được giữ vững nhưng chưa có sự đột phá. Trong thời gian đến, quận Thanh Khê sẽ nâng tầm chất lượng hoạt động của các tuyến phố chuyên doanh đã hình thành theo hướng văn minh, hiện đại; đồng thời triển khai xây dựng phố kinh doanh ẩm thực đêm tại đường Nguyễn Tất Thành, phố thời trang và ẩm thực tại đường Phan Thanh.
Tại quận Hải Châu, với sự ra đời các tuyến phố chuyên doanh về ẩm thực đã để lại ấn tượng cho du khách gần xa. Anh Phạm Tuấn Vinh (Hà Nội) đã thưởng thức món ăn ở phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng trong một lần đến du lịch Đà Nẵng vào tháng 10-2022. Chỉ 2 tháng sau, anh quyết định thuê lại mặt bằng và mở quán Bún chả Hà Nội. “Sau một năm, lượng khách của quán được duy trì ổn định. Tuy nhiên, vì tuyến phố này có lòng đường hẹp và hàng quán với diện tích nhỏ nên thường chỉ đón khách lẻ, chưa thể đón khách theo đoàn đến trải nghiệm ẩm thực”, anh Vinh chia sẻ.
Theo UBND quận Hải Châu, với hầu hết là các tuyến phố chuyên doanh về ẩm thực, các đơn vị của quận đã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về văn minh thương mại và kỹ năng bán hàng phục vụ du lịch cho các hộ kinh doanh; sắp xếp các điểm để xe, tổ chức giao thông, vệ sinh môi trường… kèm theo các biện pháp, chế tài xử lý; thường xuyên kiểm tra nhằm bảo đảm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá… Cùng với đó, trong thời gian tới quận Hải Châu sẽ nâng cấp, mở rộng phố Huỳnh Thúc Kháng về không gian và thời gian, xây dựng thành Khu phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng; triển khai hình thành chợ đêm, phố ẩm thực du lịch tại K57 Nguyễn Chí Thanh.
Phát triển xứng tầm
Tại quận Sơn Trà, các tuyến đường lớn như Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo… thường xuyên diễn ra các sự kiện thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh những lợi thế khác, UBND quận Sơn Trà đang thúc đẩy các phố chuyên doanh giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn, gồm: phố ẩm thực hải sản tại dãy nhà hàng ven biển phía đông đường Võ Nguyên Giáp; phố dịch vụ du lịch và mua sắm tại đường Hồ Nghinh…
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nhận định, để phát triển trở thành đô thị trọng điểm về du lịch, dịch vụ, thương mại, tài chính và kinh tế biển của thành phố, địa phương cần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế đêm. Trong đó, việc hình thành các phố chuyên doanh trên những tuyến đường lớn sẽ tạo điểm nhấn về phát triển du lịch. Từ đó, giúp trở thành điểm đến hấp dẫn, trải nghiệm độc đáo và thu hút du khách ghé thăm Sơn Trà; tạo nét văn minh đô thị, văn minh thương mại, diện mạo mới trong ngành thương mại dịch vụ.
Theo Sở Công Thương, các phố chuyên doanh đang hoạt động trên địa bàn thành phố đã góp phần đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ; đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, mua sắm của người dân thành phố và khách du lịch. Nhằm giúp các tuyến phố càng thêm đặc sắc, giàu sức hút, phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân và du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành phố, Sở Công Thương đã hoàn thành báo cáo nội dung về “Hiện trạng phát triển giai đoạn 2011-2020 và định hướng, giải pháp phát triển dịch vụ thương mại và hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại thành phố Đà Nẵng tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, định hướng phát triển chợ đêm, phố chuyên doanh trên cơ sở bảo đảm mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng, tính hấp dẫn, có khả năng phát triển và có hiệu quả, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân; thí điểm chọn một số khu vực đã hình thành các cơ sở kinh doanh để phát triển chợ đêm, phố chuyên doanh; khuyến khích một số khu du lịch, điểm du lịch lớn tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm.
TRẦN TRÚC