Là 1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước và duy nhất tại miền Trung, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) được xác định là hạ tầng quan trọng để góp phần định vị Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp thu hút các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao, qua đó tạo sức lan tỏa, kết nối các ngành sản xuất hiện đại là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.
Triển khai các giải pháp thu hút nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao là nhiệm vụ quan trọng được các sở, ban, ngành tập trung thực hiện. Ảnh: MAI QUẾ |
Cuối tháng 11-2024, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina III do Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 177 triệu USD, tương đương hơn 4.458 tỷ đồng.
Đây là dự án thứ 3 của Công ty TNHH ICT Vina đầu tư vào Khu Công nghệ cao. Trước đó, năm 2018, công ty được cấp phép đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina với tổng vốn đăng ký đầu tư 20 triệu USD. Năm 2020, công ty tiếp tục được cấp phép đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina II với tổng vốn đăng ký đầu tư 60 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư 3 dự án của công ty là 257 triệu USD, trở thành doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn nhất vào Khu Công nghệ cao tính đến nay.
Được biết, qua 6 năm hoạt động tại Khu Công nghệ cao, Công ty TNHH ICT Vina nghiên cứu và phát triển những sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu y tế đặc thù trong lĩnh vực nha khoa như máy chụp cắt lớp CT, máy quét CAD/CAM, máy tiện CAD/CAM, động cơ máy mài dùng trong nha khoa, răng nhân tạo implant, ghế nha khoa (kèm theo hoặc không kèm thiết bị nha khoa).
Ông Hwang Sung I, Phó Giám đốc Công ty TNHH ICT Vina, cho biết khi đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, công ty nhận được nhiều ưu đãi về thuế và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng tốt cùng nguồn nhân lực dồi dào. Công ty sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ICT VINA III theo đúng kế hoạch đề ra, phấn đấu sớm hoàn thành công trình để đi vào hoạt động sản xuất. Đồng thời xúc tiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao trong và ngoài nước tới Đà Nẵng, cũng như triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao các hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn.
Hoạt động tại Khu Công nghệ cao hơn 5 năm, đến nay Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC) Việt Nam đạt quy mô nhân sự hơn 900 người và vẫn đang tuyển dụng nhiều vị trí để sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của dự án Nhà máy hàng không linh kiện vũ trụ Sunshine. Ông Trương Hoàng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty UAC Việt Nam, cho hay công ty luôn hướng đến đội ngũ lao động chất lượng cao, hiệu quả với khả năng ngoại ngữ tốt để hòa nhập vào chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu.
Có thể nói, nhân lực tại khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng thời gian qua đáp ứng rất tốt những yêu cầu của Tập đoàn chủ quản Montana Aerospace (Hoa Kỳ) đặt ra. Công ty tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố để hỗ trợ các sinh viên về kỹ năng cũng như tạo môi trường để thực hành, nâng cao tay nghề cho các kỹ sư mới tốt nghiệp.
Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng (bên trái) trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina III do Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Ảnh: MAI QUẾ |
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đánh giá Nhà máy sản xuất ICT Vina là một trong những dự án trọng điểm thành phố thu hút trong giai đoạn 2020-2025 theo đề án “Tổng thể phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030” tại Quyết định số 4621/QĐ-UBND ngày 14-10-2019 của UBND thành phố. Với những nền tảng về kinh nghiệm và năng lực tài chính của nhà đầu tư, cũng như làm chủ được công nghệ, dự án sẽ bảo đảm tiến độ đưa vào khai thác đúng kế hoạch và phát huy được hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng, cũng như với môi trường đầu tư của thành phố nói chung.
Hiện tỷ lệ lấp đầy trong Khu Công nghệ cao trên 50% và ban quản lý tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để mở rộng và dành đất cho sản xuất. Với sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách thu hút, ban quản lý tích cực quảng bá, đẩy mạnh, chú trọng thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn vào Khu Công nghệ cao.
Thu hút 30 dự án vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Từ ngày 1-1 đến 30-11-2024, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cấp phép cho 4 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung – giai đoạn 1 và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; trong đó, có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là khoảng 178,5 triệu USD, 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 810 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 521 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung – giai đoạn 1 và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trong đó có 396 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 33.876 tỷ đồng và 125 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 2,22 tỷ USD. Đến nay, Khu Công nghệ cao thu hút 30 dự án, trong đó: 17 dự án trong nước, 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
|
MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/tang-cuong-thu-hut-dau-tu-vao-khu-cong-nghe-cao-3995913/