Thu hút khách du lịch quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, gia tăng giá trị kinh tế. Do đó, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch với kỳ vọng nâng tầm vị thế, hình ảnh du lịch Đà Nẵng tại những thị trường tiềm năng như Nhật Bản và Úc.
Khu công viên ngoài trời tại cơ sở du lịch nghỉ dưỡng do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng. Ảnh: Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa. |
Theo Cục thống kê thành phố, trong 7 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Đà Nẵng ước đạt hơn 2,4 triệu lượt, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 137% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 96% so với kế hoạch. Trong cơ cấu thành phần khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng, du khách từ thị trường Nhật và Úc đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế thành phố (nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế đến thành phố từ năm 2015 đến nay). Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2024, khách du lịch Nhật Bản đạt 83.948 lượt, chiếm 3,5% trong cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Tính đến nay, Đà Nẵng có chặng bay thẳng với tần suất 7 chuyến/tuần kết nối trực tiếp đến một số sân bay của Nhật Bản như Narita, Haneda, Osaka. Thấy được tiềm năng đó, một số công ty lữ hành trên địa bàn thành phố đang khai thác thị trường khách Nhật đã triển khai các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ các tỉnh Nagoya, Akita, Fukushima đến Đà Nẵng, góp phần tăng lượng khách đến thành phố.
Tương tự, Úc cũng là một trong những thị trường khách quốc tế tiềm năng được ngành du lịch thành phố hướng đến. Chị Lý Khuyên, du học sinh tại Úc cho hay, các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng phù hợp với thị hiếu của khách Úc nhờ điều kiện khí hậu, thiên nhiên và gần các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Huế, các tour nhiều trải nghiệm. Đặc điểm của du khách Úc thường đi du lịch vào tháng 6 đến tháng 9 và chọn những điểm đến như Việt Nam và các nước lân cận; thường lưu trú dài ngày hơn so với những thị trường khác, trung bình khoảng từ 8-10 ngày. Mặc dù Úc là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, việc đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm du lịch vẫn đang gặp nhiều khó khăn như người dân Úc ít đi theo các tour đại trà mà thích các tour du lịch được thiết kế theo thị hiếu của từng nhóm nhất định.
Trong khi đó, lữ hành Đà Nẵng còn thiếu các sản phẩm tour như vậy cũng như thiếu các kênh tiếp cận thị đến thị trường này; việc chưa có đường bay trực tiếp cũng là một bất lợi của điểm đến. Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng tại thị trường Úc mới chỉ dừng lại ở việc đón các đoàn famtrip, presstrip (doanh nghiệp du lịch, báo chí đi khảo sát dịch vụ, điểm đến), chưa tham gia các hội chợ du lịch, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Úc.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Mai Thị Thanh Hải cho biết, để thu hút khách từ các thị trường này, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch xúc tiến, đầu tư quảng bá tại từng thị trường cụ thể. Chẳng hạn đối với thị trường Nhật Bản, ngành du lịch thành phố phát hành E-newletter (tiếp thị trực tuyến) hằng tháng cập nhật thông tin gửi đến các đối tác; phối hợp với các hãng hàng không, cảng hàng không đón các chuyến bay charter, đường bay thẳng; tăng cường xúc tiến khôi phục đường bay từ các tỉnh, thành phố địa phương Nhật Bản đến Đà Nẵng; tổ chức đón đoàn famtrip, presstrip Nhật Bản đến tham quan, khảo sát dịch vụ; tập trung phát triển thị trường Nhật Bản chất lượng cao đến Đà Nẵng theo hình thức du lịch tự do, du lịch cao cấp, du lịch học đường, du lịch sức khỏe; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tập trung xây dựng chương trình, sản phẩm kích cầu phân khúc khách chất lượng cao; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Tourism Expo Japan 2024 tại Tokyo (tháng 9); đón đoàn famtrip học đường Nhật Bản (tháng 11).
Với thị trường Úc, thành phố đang nỗ lực trao đổi với hãng hàng không VietJet Air xúc tiến mở các đường bay từ các thành phố lớn của Úc đến Đà Nẵng; hướng đến phân khúc khách hàng mục tiêu như khách trung niên có thu nhập cao thích du lịch, khách du lịch văn hóa, khách nghỉ dưỡng cặp đôi, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – golf, du lịch tàu biển… Thành phố đang nỗ lực kết nối, xây dựng video thông tin, quảng bá điểm đến, dịch vụ du lịch Đà Nẵng; có các chiến lược truyền thông cụ thể dựa trên nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường khách; xây dựng các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng kết hợp với các điểm đến văn hóa, lịch sử khác như Huế và Hội An (Quảng Nam)…
Đặc biệt, đầu tư, đổi mới website du lịch Đà Nẵng, có những chiến dịch theo từng chủ đề và đầu tư về mặt hình ảnh nhằm tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng đến các thị trường khách này…
HẠNH ANH
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202408/tang-cuong-quang-ba-du-lich-tai-thi-truong-nhat-uc-3979911/