Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thu Phương cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định của pháp luật trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tình hình hoạt động của các cơ sở in trên địa bàn thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông ghi nhận thực trạng một số tổ chức, các nhân chưa thực hiện đúng quy định pháp luật và hoạt động kém hiệu quả, không bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong ngành công nghiệp in nói riêng mà cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 nói riêng.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, sự phát triển kinh tế – xã hội cùng với sự gia tăng của xuất bản phẩm điện tử là những nguyên nhân khiến hoạt động in tại thành phố Đà Nẵng có xu hướng giảm. Hoạt động in có sự dịch chuyển và phát triển sang lĩnh vực in bao bì và các sản phẩm in khác, đặc biệt là bao bì chất lượng cao và tem nhãn hàng hóa với sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại, kích thước, vật liệu
Nhìn chung, thị trường in hiện nay có tính cạnh tranh rất lớn, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, chi phí đầu vào tăng cao, phần lớn các doanh nghiệp in hiện nay đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, qua thực tiễn kiểm tra hoạt động tại các cơ sở in hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông nhận thấy, công tác chuyển đổi số trong ngành in ở thành phố còn diễn ra rất chậm, đặc biệt ở các cơ sở in truyền thống, quy mô sản xuất nhỏ. Phần lớn quản lý, điều hành doanh nghiệp theo lối cũ, không thực sự mặn mà với việc chuyển đổi số. Điều này gây lãng phí tài nguyên số và là nguyên nhân của năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm thấp và dẫn đến hậu quả tất yếu là giảm lợi thế cạnh tranh.
“Với các thông tin, kinh nghiệm báo cáo viên chia sẻ, hội nghị mong muốn góp phần năng cao kỹ năng nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước trong hoạt động in cho cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở địa phương; tăng cường công tác phối hợp quản lý, kiểm tra của Công an địa phương đối với hoạt động của các cơ sở in trên địa bàn nói chung và cơ sở in xuất bản phẩm nói riêng trong thời gian đến”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thu Phương chia sẻ.
Trên địa bàn thành phố hiện có 25 cơ sở in xuất bản phẩm, khoảng 400 doanh nghiệp in phổ thông, cơ sở kinh doanh dịch vụ photocopy với quy mô lớn nhỏ. Hoạt động in tại địa phương trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu nhất định, như số lượng và chất lượng các sản phẩm không ngừng được cải thiện và nâng cao mẫu mã, hình thức, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người sử dụng.
Tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In, Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi chuyên đề về các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực in, một số thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực in; công tác chuyển đổi số ngành in và một số lưu ý trong công tác phòng, chống in lậu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị cũng là dịp để các cơ sở hoạt động in trên địa bàn thành phố gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và những khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong việc quản lý quy trình sản xuất, trở thành các cơ sở in thông minh.
NGÔ HUYỀN
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=61660&_c=3