Là một trong hai điểm đến được tỉnh Quảng Nam chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế, sau gần 2 năm im ắng vì dịch bệnh COVID-19, phố cổ Hội An những ngày này đang tràn đầy sinh khí, sôi động trở lại để chào đón các vị khách quốc tế tới điểm đến đô thị văn hóa du lịch hàng đầu châu Á này.
Nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng, cách thành phố Đà Nẵng 30km, đô thị cổ Hội An là điểm đến nổi tiếng và hấp dẫn du khách trong nước cũng như quốc tế trong nhiều năm qua.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng chảy thời gian phủ lên phố Hội một vẻ đẹp bình yên và trầm mặc.
Trái ngược với đô thị hiện đại, Hội An gây ấn tượng với du khách bằng những ngôi nhà lợp mái rêu phong, bức tường sơn vàng cổ kính và những chiếc đèn lồng làm nên thương hiệu Hội An.
Được hình thành và phát triển từ thế kỷ 16, Hội An từng là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực.
Giai đoạn từ thế kỷ 16, đây là nơi tập trung hàng hóa của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha…
Chính vì vậy, những công trình kiến trúc và giá trị văn hóa của phổ cổ Hội An được hội tụ từ nhiều nền văn hóa Đông-Tây.
Đô thị cổ Hội An nổi tiếng với lối kiến trúc điển hình về thương cảng truyền thống của khu vực Đông Nam Á và đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Những công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hóa của phố cổ Hội An là vật chứng sống động nhất cho quá trình hình thành, phát triển và cả sự suy tàn của đô thị xưa.
Nơi đây sở hữu một hệ thống gồm 1.360 di tích, trong đó có 1.068 ngôi nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 ngôi mộ cổ loại đặc biệt và 1 cây cầu cổ.
Bước chân vào khu phố cổ xinh đẹp này, ta có thể cảm nhận sâu sắc sự pha trộn đa dạng, đầy nghệ thuật và cổ kính bởi những dãy nhà san sát mang những nét đặc trưng kiến trúc của các nền văn hóa khác nhau.
Dạo bước tại Hội An, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm tuổi như Chùa Cầu, Chùa Phước Lâm, Chùa Vạn Đức, chiêm ngưỡng các công trình hội quán, đền miều của người Hoa với lối kiến trúc cầu kỳ, sặc sỡ.
Nằm bên cạnh đó là những mái nhà ghi lại nét truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang đậm phong cách cổ kính của Pháp.
Không chỉ là bảo tàng sống của các công trình kiến trúc, giá trị văn hóa của phố cổ Hội An còn nằm ở nền văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng.
Trải qua nhiều sự biến động của thời cuộc, nhưng cuộc sống thường nhật của người dân phố Hội vẫn giữ nguyên nét đẹp ban đầu và tránh xa mọi sự xô bồ.
Những con phố được xây dựng theo hình bàn cờ, uốn lượn theo ven sông và ôm ấp những ngôi nhà.
Ở mỗi góc nhỏ bình yên ấy, du khách dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với nhiều món ẩm thực nổi tiếng như cao lầu, mỳ Quảng, bánh mỳ, cơm gà… hay những cửa hàng bày bán các đồ dùng thủ công mỹ nghệ.
Tất cả như phản ánh cuộc sống sinh hoạt giản dị, chậm rãi và hồn hậu của người dân nơi đây.
Những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa cũng đang được người dân lưu giữ và bảo tồn.
Về đêm, cuộc sống tại phố cổ vẫn tràn đầy sức sống và đầy ắp hoài niệm về thời xa xưa, với tiếng hát bài chòi, tiếng hò khoan vọng vang trên sông Đoài.
Đặc biệt, nếu đến với Hội An vào các ngày 14 Âm lịch hằng tháng, du khách sẽ được đắm mình trong Lễ hội đèn lồng, khiến phố cổ dường như trở nên bừng sáng và lung linh hơn ngày thường trong những sắc đỏ rực, sắc vàng dịu… tỏa ra từ những chiếc đèn lồng từ khắp các ngõ phố nhỏ xinh.
Nhìn từ xa, phố cổ chìm trong một không gian huyền ảo bởi hàng nghìn chiếc đèn lồng dọc khắp các con phố, ngôi nhà và hai bên bờ sông.
Một trải nghiệm thú vị khác cũng rất đáng để thử khi đến Hội An là thả đèn hoa đăng. Từ bến Bạch Đằng, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng trôi theo dòng sông Hoài thơ mộng, du khách hãy thưởng ngoạn phong cảnh phố cổ về đêm, cảm nhận không khí dịu mát se lạnh trong từng cơn gió, lắng nghe những câu chuyện hấp dẫn của phố Hội và tự tay thả những chiếc đèn hoa đăng huyền ảo.
Theo quan niệm của người dân địa phương, thả đèn hoa đăng tựa như thả những âu lo muộn phiền và mang lại cảm giác bình an, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, việc thả chậm nhịp bước trong những con đường nhỏ để ngắm những ngôi nhà cổ, thưởng thức các món ăn đặc sản Hội An hay ghé qua các sạp hàng bày bán hàng thủ công từ những làng nghề nổi tiếng của đất Quảng cũng là một trải nghiệm tuyệt với đối với du khách.
Trong sự phát triển của cuộc sống hiện đại, thì những làng nghề truyền thống vẫn đang được người dân nơi đây giữ gìn và phát triển như làng mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm sứ Thanh Hà.
Những công việc đã gắn liền với biết bao nhiêu thế hệ, nuôi sống biết bao nhiêu con người và là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Ngày nay, đây còn là nơi lưu giữ lại những giá trị văn hóa của phố cổ Hội An và thu hút khách du lịch đến tham quan để hiểu hơn về những ngành nghề truyền thống của dân tộc.
Hình ảnh những xa quay, nong tằm, khung dệt; bóng dáng những thôn nữ xe chỉ, luồn kim… trong không gian tằm tang quê cũ ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An hay trong khuôn viên Công ty Làng Lụa Hội An cũng là những nét mới đáng khám phá trong chuyến đi đến phố cổ những năm gần đây./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/suc-hut-cua-diem-den-van-hoa-hang-dau-chau-a-pho-co-hoi-an-post755352.vnp