Sau gần 5 năm triển khai thi công, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã hoàn thiện hạ tầng, đủ điều kiện để doanh nghiệp vào nhận mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất. Trước thông tin trên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn sớm tiếp cận quỹ đất tại cụm công nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn sớm tiếp cận quỹ đất tại cụm công nghiệp Cẩm Lệ. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Thiết bị và in ấn Tài (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: T.TRÚC |
Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Công ty TNHH MTV ZSTAR (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đang hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, nhôm kính trên diện tích 100m2. Công ty cần mặt bằng khoảng 1.500m2 để mở rộng sản xuất. “Những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không đủ tài chính thuê mặt bằng lớn, do vậy, công ty rất cần hỗ trợ cho thuê mặt bằng với giá hợp lý. Hiện tại công ty có 20 lao động thường xuyên làm việc, tuy nhiên vì nằm trong khu dân cư nên chúng tôi phải xoay xở giải quyết ô nhiễm tiếng ồn và nhiều đơn hàng sẽ không tăng ca được vào những ngày cuối tuần. Chính vì vậy, công ty mong muốn Cụm công nghiệp Cẩm Lệ cũng như các khu công nghiệp khác sớm đi vào hoạt động, công bố các điều kiện để doanh nghiệp có chuẩn bị phù hợp”, ông Hồ Tuấn Dũng, chủ doanh nghiệp, cho biết.
Ông Phan Cảnh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phan Lê, cho biết công ty đang hoạt động trong lĩnh vực cơ khí. Nguyện vọng công ty cần một nhà xưởng khoảng 2.000m2 trong khu công nghiệp để không ảnh hưởng tới nhà dân. Mới đây, công ty đã làm các thủ tục để được sản xuất trong khu vực nhà xưởng 2.500m2 tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, tuy nhiên lại gặp một số khó khăn từ yêu cầu của chủ đầu tư khu công nghiệp nên vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết. Vì vậy, việc đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ hoạt động là rất cần thiết để những doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất.
Tương tự, Công ty TNHH Thiết bị và in ấn Tài (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) có nhu cầu mặt bằng khoảng 3.000m2 để mở rộng sản xuất. Hiện tại, doanh nghiệp có gần 30 lao động làm việc trên diện tích 400m2. Tuy không gây ô nhiễm tiếng ồn và không khí, nhưng vì hoạt động trong khu dân cư nên điều kiện hạ tầng không đồng bộ. Đồng thời, vấn đề về xử lý rác thải, nước thải, nguồn điện và an toàn phòng chống cháy nổ chưa được bảo đảm hoàn toàn. Giám đốc công ty Trần Văn Tài cho hay, đơn hàng của công ty ổn định và duy trì quanh năm phục vụ các hộ gia đình, khu công nghiệp, công ty du lịch. Năm 2023, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng nên công ty có nhu cầu về mặt bằng để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, nếu được bố trí mặt bằng tại cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.
Đẩy nhanh quy trình khai thác
Theo số liệu của Sở Công Thương về rà soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp trong khu dân cư cần di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, có khoảng gần 900 đơn vị với nhu cầu diện tích đất sử dụng 198,7 ha. Trong đó, số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ô nhiễm cần di dời vào khu, cụm công nghiệp chiếm tỷ lệ 68%. Số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu di dời tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Cẩm Lệ (217 đơn vị) và quận Liên Chiểu (378 đơn vị). Việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp là đối tượng di dời hiện nay gặp nhiều khó khăn, có khá nhiều cơ sở sản xuất hoạt động cầm chừng, bấp bênh và đóng cửa hoặc chuyển đổi ngành nghề. Điều này cho thấy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kỳ vọng rất lớn vào việc các cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đang được tiếp tục hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Đối với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, dự án được UBND thành phố giao UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư và điều hành dự án. Dự án có tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất 29,09ha, được khởi công từ tháng 6-2019 với tổng mức đầu tư phê duyệt là 250 tỷ đồng, được chia thành hai phân kỳ đầu tư. Các hạng mục công trình đã thi công cơ bản hoàn thành trong tháng 6-2023. Đơn vị điều hành dự án đã tiến hành nghiệm thu kỹ thuật toàn bộ các hạng mục và đã trình hồ sơ nghiệm thu hoàn thành vào cuối tháng 7-2023.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho biết Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã hoàn thiện hạ tầng, đủ điều kiện để doanh nghiệp vào nhận mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất. Đến nay, đường dẫn vào cụm công nghiệp đã hoàn thành; cống thoát nước nằm tại tổ 5 (phường Hòa Thọ Tây) qua đường Cầu Đỏ- Túy Loan đã thi công xong. Hạng mục đấu nối thoát nước thải Sở Xây dựng cũng vừa thẩm định xong công tác thi công đường ống dẫn, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Hiện chỉ còn chờ Sở Công Thương xây dựng tiêu chí, điều kiện để chọn doanh nghiệp được sản xuất tại cụm công nghiệp cũng như kế hoạch cho thuê đất.
Theo đại diện Sở Công Thương, sở đã trình UBND thành phố phương án quản lý, vận hành và khai thác Cụm công nghiệp Cẩm Lệ và dự thảo quyết định ban hành bộ tiêu chí lựa chọn tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đối với công tác quản lý, phát triển các cụm công nghiệp, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sở trong năm 2024 là từng bước bố trí, sắp xếp các cơ sở sản xuất trong các khu dân cư vào ổn định sản xuất tại các cụm công nghiệp.
MAI QUẾ – TRẦN TRÚC