Di tích cấp quốc gia Hải Vân quan vừa hoàn thành trùng tu, mở cửa đón khách từ đầu tháng 8-2024, thu hút hàng trăm lượt tham quan mỗi ngày, đặc biệt là dịp lễ, cuối tuần. Cũng chính vì điều này nên phát sinh những hạn chế trong cơ sở hạ tầng du lịch, thiếu bãi đỗ xe tại khu vực di tích cần được xử lý dứt điểm.
Nhiều xe lớn đi qua đèo Hải Vân và dừng lại dễ gây ùn tắc giao thông. Ảnh: X.D |
Thiếu nhiều cơ sở hạ tầng
Tọa lạc trên đỉnh đèo nối Huế và Đà Nẵng, Hải Vân quan là điểm du lịch nổi tiếng, điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá di sản miền Trung. Đặc biệt, từ khi di tích Hải Vân quan mở cửa miễn phí, lượng khách tới đây tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại Hải Vân quan vẫn còn nhiều dang dở, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, du khách. Cụ thể, nơi đây vẫn còn thiếu hạ tầng cơ sở như: bãi đỗ xe, các cửa hàng buôn bán quà lưu niệm, nhà vệ sinh, nguồn nước công cộng… Tại các bậc lên xuống, lan can cầu thang được làm bằng những sợi dây cáp lỏng lẻo, không chắc chắn.
Anh Nguyễn Đức Thạch (quận Thanh Khê) chia sẻ: “Sau khi Hải Vân quan mở cửa, người dân về đây để tham quan, ngắm cảnh khá đông. Khu vực đỉnh đèo cảnh xe nối đuôi nhau, dừng đỗ lộn xộn. Ngoài ra, khu vực này cũng còn nhiều bất cập vì một số hạng mục chưa hoàn thiện, thiếu nhà vệ sinh, khiến quá trình tham quan không được trọn vẹn”.
Vấn đề lớn nhất của Hải Vân quan hiện nay là thiếu bãi đỗ xe, bởi nhiều năm nay, cung đường đèo này chủ yếu dành cho các xe trọng tải lớn, xe chở hàng dễ cháy nổ. Tuy nhiên, nay lượng khách tăng cao, các xe lớn dừng đỗ trên không gian chật chội, gây ra tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông. Theo các hộ kinh doanh giải khát tại đỉnh đèo Hải Vân, các lái xe mạnh ai nấy đỗ, lấn chiếm lòng đường, che khuất tầm nhìn. Trong khi đó, người đi xe máy đỗ xe trong khu vực hành lang an toàn, không có người trông coi, tiềm ẩn nguy cơ trộm cắp tài sản, không bảo đảm an ninh trật tự.
Làm nghề lái xe dịch vụ, anh Lê Tấn Trung cho biết, việc đi lại trên đèo gần đây trở nên khá căng thẳng khi lượng khách tham quan trở nên đông đúc. Nhiều du khách vô tư đi bộ qua đường lên di tích, trong khi các phương tiện đang lưu thông nên rất nguy hiểm. “Nếu lượng người đến đây tiếp tục tăng và có nhiều xe lớn, chắc chắn tình trạng ách tắc, va chạm sẽ xảy ra. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp lập lại trật tự, quy hoạch bãi đỗ xe, cũng như tổ chức lại hàng quán kinh doanh trên đỉnh đèo”, anh Trung nói.
Sẽ giải quyết trong quý 4-2024
Để phần nào giải quyết những vấn đề trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã ký hợp đồng lao động với 8 người để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, vận hành, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh. UBND quận Liên Chiểu cũng thành lập tổ bảo vệ, quản lý các hoạt động tại khu vực. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, từ khi mở cửa đến nay, di tích đón gần 79.000 lượt khách tham quan. Ngoài số người làm việc cố định, trung tâm cử đội cơ động để hỗ trợ thêm trong giai đoạn đầu. Lượng khách đông, đôi khi quá tải, vấn đề đỗ xe, trật tự, vệ sinh môi trường, hoạt động bán hàng… cần hai địa phương thống nhất ban hành quy chế phối hợp quản lý và khai thác.
Thời điểm này, cấp thiết là đầu tư ngay khu vệ sinh, cấp nước sinh hoạt, xây dựng lại cổng vào, barie và chốt kiểm soát; lắp đặt hệ thống wifi thành lập đội quản lý vệ sinh môi trường. Đối với vấn đề an toàn giao thông, lực lượng hai địa phương phối hợp để điều tiết, phân luồng, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trên đỉnh đèo Hải Vân. Thời gian tới sẽ khảo sát địa điểm quy hoạch bãi đỗ xe, đề nghị Khu Quản lý đường bộ II và III xem xét, bổ sung, hoàn thiện biển báo, tổ chức giao thông quốc lộ 1 đoạn qua Hải Vân quan.
Chiều 10-9, khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phương án phối hợp quản lý, khai thác Hải Vân quan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong quản lý Hải Vân quan thời gian qua. Đồng thời, thống nhất giao UBND quận Liên Chiểu và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý di tích này, luân phiên 3 năm/lần. Về phương án bán vé tiếp tục nghiên cứu, trình lãnh đạo HĐND hai địa phương ban hành, dự kiến 50.000 – 70.000 đồng/vé.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, vấn đề căn cơ hiện nay là cần sớm đầu tư cơ sở hạ tầng cho Hải Vân quan, trước khi bàn đến chuyện thu phí. Bởi muốn bán được vé, thì hạ tầng phải bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Trong quý 4-2024, cơ quan chức năng hai địa phương nhanh chóng khảo sát, tìm 1 vị trí phù hợp để làm bãi đỗ xe; vận động 15 hộ kinh doanh đầu tư lại hạ tầng để đồng bộ về cảnh quan, tránh gây ra tình trạng nhếch nhác cho di tích. Cùng với đó, hai địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp, trong đó phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, quản lý trật tự an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường… đúng quy định pháp luật, tiến tới khánh thành công trình trong tháng 12-2024. Ngoài ra, đề nghị hai địa phương tích cực phối hợp, thực hiện công tác truyền thông, quảng bá giá trị của di tích này đến đông đảo người dân, du khách.
X.DŨNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202409/som-dau-tu-co-so-ha-tang-tai-hai-van-quan-3985720/