Tại cuộc thi “Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên” lần thứ 3, năm 2023 (InTE_UD 2023) do Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức, nhiều dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá cao bởi sự sáng tạo, tiềm năng và ứng dụng thực tế, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi xanh bền vững trên địa bàn thành phố.
Mô hình “App chẩn đoán bệnh cho cây lúa” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đạt giải Khuyến khích hội thi “Thanh niên nghiên cứu, tiếp cận chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” năm 2023. Ảnh: VIỆT ÂN |
Chẩn đoán bệnh trên cây lúa qua ứng dụng thông minh
Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ nông dân chẩn đoán chính xác và sớm phát hiện các sâu, bệnh hại trên cây lúa, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất vụ mùa, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) đã nghiên cứu, xây dựng, phát triển ứng dụng di động (App) thông minh chẩn đoán bệnh. Sinh viên Trần Văn Phúc, thành viên dự án cho biết, với những nông dân thế hệ mới, việc sử dụng các phương tiện, thiết bị thông minh sẽ giúp giải quyết các hạn chế về kinh nghiệm canh tác, nhân lực… từ đó, nâng cao hiệu quả và tính chính xác trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thông qua ứng dụng được nhóm nghiên cứu, nông dân sẽ được cung cấp các công cụ và thông tin hữu ích để nhận diện các loại bệnh cây lúa và đề xuất các biện pháp phòng trừ, điều trị phù hợp; thông tin về các giống cây lúa chống chịu bệnh tốt và theo dõi tình hình sâu bệnh lúa gạo trên toàn quốc.
Theo Phúc, ứng dụng được định hướng và đáp ứng các mục tiêu về yêu cầu kỹ thuật như độ chính xác cao, đáp ứng cấu hình thiết bị và thân thiện với người dùng và có thể hoạt động ngoại tuyến trên một thiết bị hoặc trực tuyến đồng bộ trên nhiều thiết bị bằng tài khoản, được đăng tải miễn phí trên Google Play Store (Android). Một điểm đặc biệt trong quá trình hình thành ứng dụng là sử dụng thuật toán HOG (Histogram of Oriented Gradient) nhằm mô tả tính năng, trừu tượng hóa đối tượng bằng cách trích xuất những đặc trưng và bỏ đi những thông tin không hữu ích. Hiện nay, cơ sở dữ liệu (hình ảnh, thông tin, giải pháp) của ứng dụng đang tập trung chủ yếu về 3 loại bệnh là đốm nâu, sâu gai hại lúa và đạo ôn.
Qua thử nghiệm thực tế tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho thấy, ứng dụng hoạt động ổn định, phát hiện nhanh và chẩn đoán chính xác, độ chính xác khi phát hiện bệnh lên đến 87%; tốc độ và hiệu suất của phần mềm xử lý nhanh. Tuy nhiên, ứng dụng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hiệu năng cũng như khả năng cập nhật lâu dài nên nhóm đang nghiên cứu để hoàn thiện và phát triển thêm, cụ thể: nâng cấp giao diện, các chức năng và hỗ trợ người dùng, cập nhật thêm cơ sở dữ liệu…
“Hạn chế lớn nhất của ứng dụng là nguồn dữ liệu còn hạn chế. Nếu dự án có sự tham gia và hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp đầu tư thì sẽ hoàn thiện và tối ưu hơn”, Phúc chia sẻ. Được biết, dự án đã đạt giải Khuyến khích hội thi “Thanh niên nghiên cứu, tiếp cận chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” năm 2023 do Thành Đoàn Đà Nẵng phát động. Hiện dự án lọt vào Top 15 cuộc thi InTE_UD 2023 và vòng bán kết cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ 25 năm 2023, dành cho các trường đại học trên toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11-2023.
Tận dụng bã thải nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi
Trong khi đó, nhóm sinh viên Khoa Sinh – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã nghiên cứu thành công loại thức ăn chăn nuôi với bã sắn được lên men bã từ sợi nấm. Theo Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng nhóm nghiên cứu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của người tiêu dùng ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, việc tái đàn hạn chế do các dịch bệnh trên động vật… khiến chi phí sản xuất tăng cao, nông dân không có lợi nhuận; lượng bã sắn dư thừa nhiều. Vì vậy, việc tận dụng và lên men bã sắn từ sợi nấm để dự trữ làm thức ăn cho gia súc là giải pháp có thể khắc phục và giải quyết được tình trạng trên.
Thành phần chính tạo nên sản phẩm là cám gạo, cám ngô, bã sắn kết hợp với sợi nấm mang đến sự vượt trội về thành phần dinh dưỡng, hạn chế tối đa ảnh hưởng của các phụ gia hóa học đến sức khỏe và dư lượng chất hóa học tồn đọng trong vật nuôi ảnh hưởng đến người tiêu dùng sau này. Điểm đặc biệt của sản phẩm là trong sợi nấm có hoạt chất Beta-Glucan giúp tăng cường đề kháng cho vật nuôi, tăng hệ miễn dịch, nguồn cung cấp thức ăn cho lợi khuẩn; trong khi đó, nguồn Beta-Glucan trên thị trường có giá thành rất cao.
Theo Thanh Hương, nhóm nghiên cứu đã triển khai thực nghiệm trên 3 chuồng nuôi gia cầm; kết quả cho thấy, gia cầm trong chuồng nuôi sử dụng thức ăn là bã sắn được lên men từ sợi nấm có trọng lượng tăng nhanh và khỏe mạnh hơn so với các chuồng còn lại, tỷ lệ protein thô, mật độ các lợi khuẩn và nồng độ axit hữu cơ tăng mạnh, hàm lượng xơ giảm mạnh và không phát hiện các độc tố… Bên cạnh đó, công nghệ đổi mới sáng tạo, chi phí sản xuất thấp là yếu tố giúp cho giá thành sản phẩm dễ dàng cạnh tranh so với các dòng thức ăn chăn nuôi trên thị trường. Được biết, sản phẩm đã được kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kiểm định chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2.
15 dự án tranh tài tại vòng bán kết cuộc thi InTe_UD 2023 Ban tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên” (InTE_UD 2023) đã chọn ra 15/62 dự án tiếp tục tranh tài tại vòng bán kết và hướng dẫn, đào tạo chuyên sâu, gồm: Mũ bảo hiểm thông minh – Smart shield; Green friend – giải pháp thông minh cho cây trồng năng suất trong việc cải thiện ra quyết định và phòng ngừa rủi ro; Nghiên cứu và phát triển sản phẩm gia vị rắc cơm từ cá cơm; Saco – tủ cất giữ tài sản ứng dụng nhận diện khuôn mặt; thiết bị báo cháy tự động trên tàu cá; App chẩn đoán bệnh cho cây lúa; Phao cứu sinh tìm kiếm chủ động; Ứng dụng Medidind+; Hệ thống chuyển đổi thủ ngữ sang giọng nói dành cho người bị khiếm thính và khiếm thanh… |
VIỆT ÂN