Mặc dù quy định xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam “made in Vietnam” được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018 nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể ban hành bởi chưa có tiêu chí và lo phát sinh gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Xếp dỡ hàng hóa container tại Tân cảng Sài Gòn. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN |
Tại báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương nêu rõ: việc đang gặp nhiều vướng mắc liên quan nên sau 5 năm đề xuất, Bộ này vẫn chưa thể đưa ra quy định, điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam với hàng hóa lưu thông trong nước.
Báo cáo cũng nêu rõ, quy định hàng “made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018. Một trong những ‘điểm nghẽn’ khiến việc xây dựng tiêu chí xuất xứ hàng hoá cho hàng sản xuất tại Việt Nam chính là vẫn chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp xác định, thể hiện hàng hóa trên bao bì là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.
Bộ Công Thương cho biết, ban đầu Bộ có báo cáo Chính phủ xây dựng Thông tư “sản xuất tại Việt Nam” nhưng đến năm 2019, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành nội dung thông tư lại phát sinh các chính sách vượt thẩm quyền. Do đó, Bộ Công Thương đã xin chuyển hướng sang xây dựng Nghị định.
Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo đó, nội dung chính sách về cách ghi nhãn hàng hóa dự kiến quy định trong Nghị định “sản xuất tại Việt Nam” đã được đưa vào Nghị định 111/2021/NĐ-CP.
Điều này đồng nghĩa với việc văn bản “sản xuất tại Việt Nam” sẽ chỉ còn tập trung quy định về bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở thực hiện việc ghi nhãn về xuất xứ hàng hóa tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Do vậy, việc xây dựng văn bản “sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Nghị định là không còn cần thiết.
Đến tháng 5-2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công Thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp Thông tư, thay vì Nghị định. Thế nhưng, vướng mắc về thẩm quyền ban hành lại không khớp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.
Hơn nữa, việc quy định ở cấp Thông tư về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” sẽ mang tính pháp lý chặt chẽ hơn quy định hiện nay với hàng trong nước nên “tiềm ẩn rủi ro pháp lý, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, thực tế hiện nay, khi Thông tư chưa được ban hành, doanh nghiệp vẫn đang thực hiện xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc của Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Đáng lưu ý, trong thời gian 5 năm thực hiện xây dựng quy định, Bộ Công Thương chỉ nhận được một số văn bản của 16 doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn xác định hàng hóa có được phép dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam hay không?
Một trong những khó khăn được Bộ Công Thương đưa ra là nếu quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, mọi hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định. Điều này sẽ có tác động rất lớn với doanh nghiệp.
Không những thế, hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không phải dễ dàng, rất tốn kém. Chưa kể, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã quen với khái niệm trong lĩnh vực xuất xứ như hàm lượng giá trị, chuyển đổi mã số, mã số HS; có nhân lực và hệ thống sổ sách kế toán để tính toán thông số nên việc tuân thủ không khó khăn.
Mặt khác, quy định này sẽ là trở ngại với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp.
Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo dự thảo nghị định đề xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương công bố mới đây, hàng hóa cũng bị coi không phải hàng của Việt Nam khi chỉ dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự hay lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo TTXVN