Tổng cục Thuế vừa có công điện về triển khai việc lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Người dân Hà Nội mua xăng, dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu. Ảnh: TTXVN |
Theo Tổng cục Thuế, đến ngày 19-12, một số cục thuế đã khẩn trương, tích cực triển khai các giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng như tham mưu UBND ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, các đơn vị kinh doanh xăng dầu tại địa phương; phối hợp các sở, ban ngành tổ chức làm việc, đối thoại với các đơn vị kinh doanh xăng dầu…
Tuy nhiên, công điện nêu rõ vẫn còn một số cục thuế chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, chưa quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong triển khai phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 quy định về hóa đơn, chứng từ của Chính phủ. Bên cạnh đó cũng chưa rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thực trạng triển khai tại địa phương, số lượng doanh nghiệp, cửa hàng đã thực hiện, chưa thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng để có giải pháp phù hợp.
Công điện chỉ rõ, việc triển khai của các cục thuế cơ bản chỉ dừng lại ở mức độ tuyền truyền, chưa có phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, từng cán bộ quản lý để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ.
Cụ thể, đối với các địa phương chưa có văn bản chỉ đạo của UBND thì cục thuế có trách nhiệm tham mưu UBND chỉ đạo các sở, ban ngành chủ động phối hợp với cơ quan thuế triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành tại địa phương tổ chức rà soát, nắm bắt thực trạng hạ tầng, thiết bị, tiến độ triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại từng cửa hàng kinh doanh xăng dầu; tổ chức ngay các buổi làm việc với đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu, thông báo mời công khai các công ty cung cấp giải pháp để chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai thành công và thảo luận giải pháp hiệu quả.
Ngoài ra, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc (nếu có) để thực hiện thành công việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1284/CĐ-TTg nêu trên.
Đặc biệt, công điện nêu rõ cần tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về hóa đơn điện tử tới từng doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để các đơn vị hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện được phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định.
Trước đó, ngày 1-12-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1284/CĐTTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu; thời gian hoàn thành trong tháng 12-2023.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13348/BTC-TCT ngày 4-12-2023 đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong triển khai hóa đơn điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Tổng cục Thuế cũng đã có Công văn số 5080/TCT-DNL ngày 13-11-2023, công văn số 5468/TCT-DNL ngày 5-12-2023 chỉ đạo Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu UBND chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế khẩn trương triển khai tới doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định.
Theo baotintuc.vn