Phong trào khởi nghiệp của phụ nữ Đà Nẵng ngày càng có bước phát triển, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ hình thành và có chỗ đứng trong thị trường. Đặc biệt, nhiều chị tiên phong xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng xanh, bền vững, thân thiện môi trường, được khách hàng, người tiêu dùng đánh giá cao.
Dự án “Nâng tầm giá trị cho cá trích Việt Nam” của chị Võ Thị Hạnh Dung (quận Liên Chiểu) xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp thành phố năm 2024. Ảnh: X.D |
Sau hơn 1 năm thành lập, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) do chị Đỗ Thị Huyền Trâm làm chủ ngày càng khẳng định tên tuổi, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây là mô hình khởi nghiệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố kết nối, đặc cách tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023 và giành giải khuyến khích. Chị Trâm cho hay, 4 mục tiêu lớn khi thành lập hợp tác xã là bảo vệ rừng tự nhiên, hướng tới nông nghiệp sạch, bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ tu và tạo được sinh kế cho người dân. Năm 2023, hợp tác xã đón gần 10.000 lượt khách đến trải nghiệm về văn hóa, nông nghiệp, tham quan cảnh đẹp. Bên cạnh các hoạt động du lịch, hợp tác xã chú tâm đến sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, tạo ra các mô hình vườn mẫu theo hướng hữu cơ không phân hóa học, thuốc trừ sâu, thú hút khách đến tham quan, học tập, tăng thu nhập cho nông dân.
“Thông qua việc đón khách người dân có nhận thức về việc phải giữ gìn vệ sinh chung, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch. Cũng từ đó, bà con đã xây dựng mô hình “Đồi giữ nước” (trồng cây lâu năm giữ rừng, cây ăn quả và rau màu nuôi cá), hướng tới phát triển rừng bền vững tại Hòa Bắc”, chị Trâm chia sẻ.
Là ý tưởng đoạt giải Nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp thành phố năm 2024, dự án “Nâng tầm giá trị cho cá trích Việt Nam” của Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods, do chị Võ Thị Hạnh Dung (quận Liên Chiểu) làm chủ được ban tổ chức đánh giá là mô hình kinh doanh bền vững. Dự án tạo ra các sản phẩm mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường thành phố như: nước mắm cá trích, cá trích ngâm dầu, chà bông cá trích, hạt nêm và gỏi cá trích. Các sản phẩm được đựng trong bao bì, túi đựng bằng giấy, sử dụng các vật dụng có thể tái chế. Đáng chú ý, dự án sử dụng máy sấy cá bằng lò sấy khép kín dùng điện năng lượng mặt trời, thay vì rang bằng củi.
Cùng với đó, dùng công nghệ tái chế nước thải trước khi thải ra môi trường; dùng công nghệ nuôi cấy vi sinh để thay thế cho cách ủ muối truyền thống, giúp cá nhanh phân hủy mà không gây mùi hôi ảnh hưởng đến cộng đồng. Chị Dung cho biết, mục tiêu của dự án là góp phần nâng cao giá trị cho cá trích, giúp ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt mà không lo đầu ra, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ địa phương. “Bằng việc tạo ra các sản phẩm từ cá trích chất lượng, dự án không chỉ cung cấp lựa chọn an toàn, dinh dưỡng cho người tiêu dùng, mà còn thúc đẩy xu hướng sống xanh và lành mạnh”, chị Dung nói.
Trong vòng chung kết cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp thành phố năm nay, có một dự án khởi nghiệp xanh, bền vững của chị Hồ Thị Nhực (quận Cẩm Lệ) mang tên “Chả ống tre cocimo”. Chị Nhực chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu, dự án đã hướng tới nền kinh tế xanh – sạch, sử dụng ống tre và nhiều nguyên liệu xanh trong làm chả để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. “Chả ống tre cocimo” thành công sẽ kéo theo nhu cầu về ống tre tăng lên, nguồn cung tăng giúp cho phủ xanh đồi trọc, chống sạt lở ở vùng đồi núi cao. Cùng với đó, giúp phụ nữ địa phương có công việc ổn định, tăng thêm thu nhập, truyền cảm hứng cho chị em khởi nghiệp theo hướng xanh, bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm sử dụng những đặc trưng, thế mạnh của quê hương như cây tre, thịt bò, con tôm… Đặc biệt là với cây tre, sản phẩm không đơn thuần là khai thác tính dược liệu của ống tre trong thực phẩm, mà còn đề cao giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đưa bản sắc văn hóa Việt Nam lan tỏa đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn truyền cảm hứng về tinh thần sản xuất và tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường trong các tầng lớp phụ nữ hiện nay”, chị Thực bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Huyền, những năm gần đây, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường trở thành những thách thức lớn đối với nhân loại. Việc xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững không chỉ là xu hướng, mà còn là cách tiếp cận thông minh, nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Thực tế hiện nay, ngày càng nhiều chị em tham gia vào các hoạt động kinh doanh và khởi nghiệp. Các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo có thể đi đầu trong việc áp dụng các thực hành bền vững, từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đến việc quản lý chất thải hiệu quả. Việc phát huy giá trị của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, thúc đẩy một cộng đồng nữ doanh nhân quyết tâm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
“Hội LHPN thành phố tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt trong phát triển kinh tế xanh. Qua đó, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, giải quyết việc làm cho hội viên, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, hướng tới một tương lai xanh và bền vững”, bà Huyền nhấn mạnh.
THIÊN DUYÊN
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202408/phu-nu-phat-trien-kinh-te-xanh-ben-vung-3984597/