Dự tại điểm cầu Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng, Trưởng ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh.
Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2024, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương 10 đề án lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) và cải cách tư pháp; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, đưa nhiệm vụ phòng, chống lãng phí tương đương với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Ban đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; hoàn thành đề tài khoa học trọng điểm về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực nội chính qua 40 năm đổi mới; tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế, 13 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp ban Đảng và cấp cơ sở; biên soạn, phát hành cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với nhiều giá trị lý luận và thực tiễn phong phú, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu của ngành Nội chính Đảng.
Ngành Nội chính đã tham mưu, tổ chức tốt 3 phiên họp, 2 cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNLPTC và hơn 600 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống PCTNLPTC cấp tỉnh; đã phối hợp tham mưu, chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, đúng quy định pháp luật; tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện công việc của 6 đoàn kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Ngành cũng đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham mưu, tổ chức hơn 1.000 cuộc tiếp, đối thoại với công dân của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; tiếp nhận, xử lý gần 60.000 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và tham mưu, chỉ đạo xử lý hơn 200 vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
PCTNLPTC phải thực hiện toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực công và tư
Tham luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng xác định chống lãng phí là một đòi hỏi khách quan và là một yêu cầu mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay. Đây chính là yêu cầu thay đổi về tư duy, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thờ ơ, vô cảm trong giải quyết công việc, là động lực cho khơi dậy và thu hút các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển, là một trong những cơ sở, điều kiện để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước trên 2 con số.
Chính vì vậy, kết luận tại cuộc họp vào ngày 30-10-2024 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu: “Phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trình bày tham luận tại Hội nghị
Từ thực trạng trên và trước yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư đã nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm cần được tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc để quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNLPTC và từ thực tiễn của thành phố, Đà Nẵng xác định phòng, chống lãng phí phải thực hiện một cách toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực công và tư.
Trong đó, Đà Nẵng quyết liệt, quyết tâm triển khai có hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW ngày 2-5-2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các bản án, kết luận thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương. Đồng thời, thành phố tiếp tục rà soát, báo cáo đề xuất để giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài tương tự theo tinh thần của Kết luận số 77-KL/TW; đặc biệt là thành phố đã chủ động rà soát để chuẩn bị báo cáo Ban Nội chính Trung ương về xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án đất đai trước thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai 2013.
Thực hiện các giải pháp khắc phục các dạng thức lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra. Đà Nẵng xác định chủ đề của năm 2025, trong đó trọng tâm là tinh gọn bộ máy đi đôi với cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết công việc của cán bộ, công chức và làm phát sinh chi phí của người dân, doanh nghiệp, làm mất niềm tin của nhà đầu tư, vì vậy tinh gọn bộ máy là cơ hội để cắt giảm thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, để làm được việc này ngoài trách nhiệm của địa phương thì cũng cần có sự đồng bộ từ Trung ương, đó là tiếp tục rà soát, sửa đổi theo hướng giảm lược các trình tự, thủ tục và phân cấp, phân quyền triệt để về địa phương theo đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Song song đó, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27-10-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng
Qua sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị này, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhận thấy đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cũng như thu ngân sách của thành phố năm 2024, nhất là việc khơi thông các nguồn lực, lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.
Từ kinh nghiệm của việc ban hành và thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải chủ động, quyết liệt và mạnh dạn trong việc tháo gỡ, giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài ở địa phương mình và báo cáo đề xuất giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, Trung ương chỉ đạo để Chính phủ, Quốc hội giải quyết các vấn đề tồn tại trên phạm vi cả nước, chứ không dừng ở một số địa phương.
Đặc biệt, đề nghị Ban Nội chính Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng Đề án: Quan điểm, chủ trương xử lý các sai phạm có liên quan đến đất đai trước khi Luật đất đai năm 2023 có hiệu lực; đây là Đề án nếu được triển khai trong thực tiễn sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn ở các địa phương.
Cạnh đó, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNLPTC cho chủ trương để Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 theo tinh thần chỉ đạo mới của Tổng Bí thư Tô Lâm để làm cơ sở pháp lý triển khai các giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ trong công tác chống lãng phí hiện nay, vì nhiều quy định về chống lãng phí hiện nay không còn phù hợp.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động PCTNLPTC
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo PCTNLPTC cấp tỉnh trong năm 2024. Đồng thời, chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và đề nghị ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo PCTNLPTC cấp tỉnh nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTNLPTC và cải cách tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo PCTNLPTC cấp tỉnh phải tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNLPTC; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, về PCTNLPTC và cải cách tư pháp. Nhất là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tham mưu, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật nói chung và trong lĩnh vực PCTNLPTC nói riêng, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tham mưu tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTNLPTC nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đánh giá toàn diện những kết quả, hạn chế và nguyên nhân, dự báo đúng tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ, đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội.
Do đó, Ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống PCTNLPTC cấp tỉnh tham mưu, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn và cán bộ lãnh đạo các cấp có nhiều thông tin, dư luận về PCTNLPTC; điều tra, xử lý dứt và điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự.
Đồng thời, tham mưu, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là trọng tâm, đột phá; kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Cạnh đó, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhất là tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, lắng nghe và giải quyết tốt các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải quyết dứt điểm, thấu lý, đạt tình.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương; tăng cường các biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải thật sự bản lĩnh “Chắc – Sắc – Đắc” (Pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm). Các Ban Chỉ đạo PCTNLPTC cấp tỉnh cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 199-QĐ/TW, ngày 20-11-2024 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTNLPTC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu hoạt động.
Tổng Bí thư đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, có cơ chế thu hút cán bộ để ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.
HỒNG QUÂN
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62193&_c=3