Ngành nông nghiệp Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thành phố, thích ứng biến đổi khí hậu; qua đó, tạo động lực tăng trưởng, hoàn thành các mục tiêu đặt ra và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả. TRONG ẢNH: Mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tuần hoàn, nông nghiệp thông minh tại An Phú Farm nhìn từ trên cao. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Phát triển nông, lâm nghiệp bền vững
Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, công tác phối hợp trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trong năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng diện tích sản xuất lúa cả năm là 4.300,36ha, năng suất bình quân đạt 63,08 tạ/ha, sản lượng thu hoạch gần 27.127 tấn. So với năm 2022, năng suất tăng 7,89 tạ/ha; sản lượng tăng gần 2.769 tấn. Công tác khảo nghiệm, trình diễn và triển khai thu đổi giống lúa, đưa vào sản xuất các giống lúa mới được quan tâm, thực hiện góp phần tăng năng suất, chất lượng gạo trên địa bàn.
Địa phương chú trọng công tác khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng hiệu quả với 13,39ha tại các xã. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả trên các lĩnh vực được phối hợp triển khai thực giúp nâng cao kinh tế, đời sống của người dân. Cụ thể như mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân chăn nuôi heo thảo mộc tại xã Hòa Phước; chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Hòa Phong; mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tuần hoàn, nông nghiệp thông minh tại An Phú Farm và Bana Rita Camping (xã Hòa Phú)… Đến nay, toàn huyện có 32 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Phan Thế Dũng cho hay, công tác bảo vệ, quản lý và phát triển rừng được đơn vị và các địa phương phối hợp chặt chẽ. Tính đến hết năm 2023, toàn thành phố có 43.125,5ha rừng tự nhiên, gần 19.919ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46%. Chi cục đã phối hợp UBND các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang tổ chức nghiệm thu đối với các hộ tham gia phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn với tổng số 65,12ha. Đồng thời, đơn vị đã triển khai, phối hợp trồng 976,89ha rừng sản xuất; chăm sóc 310,85ha rừng trồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, Chi cục Kiểm lâm cũng phối hợp tham mưu cấp phát, trồng rừng tập trung với số lượng 246.733 cây xanh trong rừng và trồng 70.000 cây xanh phân tán trên địa bàn thành phố. Năm 2023, sản lượng gỗ rừng trồng ước cả năm đạt 101.000m3; trồng rừng tập trung cả nước ước đạt 2.768ha.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại mô hình du lịch sinh thái Bana Rita Camping (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nâng cao năng lực khai thác hải sản, chống khai thác IUU
Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng khai thác năm 2023 đạt 36.677 tấn. tăng 2,8% so với năm 2022. Trung bình mỗi ngày tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có 45-50 lượt tàu, 350-400 lượt ô tô và từ 250-300 tấn thủy sản bốc dỡ qua cảng. Ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thông tin, việc quản lý tàu cá cập/xuất bến được đơn vị và các lực lượng phối hợp rất chặt chẽ.
Tại cảng cá có văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá; 100% tàu đến, rời cảng được yêu cầu thực hiện khai báo, ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và giám sát sản lượng hải sản qua cảng theo quy định. Ban quản lý thường xuyên tuyên truyền trên loa phóng thanh và tuyên truyền trực tiếp đến các chủ tàu, ngư dân, yêu cầu thực hiện đúng cam kết về chống khai thác IUU, duy trì thiết bị giám sát hành trình trong quá trình khai thác. Thời gian đến, ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi về chống khai thác IUU.
Theo Chi cục Thủy sản, trên địa bàn thành phố hiện có 1.192 tàu, thuyền (đã đăng ký), trong đó, 286 tàu cá khai thác ven bờ, 311 chiếc khai thác vùng lộng và 595 chiếc khai thác ở vùng khơi. Số tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký là 316 chiếc. Đối với tàu các không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản, đơn vị đã phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra hiện trạng hoạt động của tàu cá, lập danh sách theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình hoạt động khi chưa có đầy đủ giấy tờ quy định.
Các tàu cá khai thác vùng khơi (còn hoạt động) được lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình; tổ chức theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát. Đến nay, thành phố không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý; không có trường hợp vi phạm về tàu cá mất tín hiệu giám sát tàu cá trên 10 ngày và các vi phạm liên quan về chứng nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản. Để góp phần sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” và các vướng mắc trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản đề xuất ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ; sớm xây dựng mô hình nâng cao giá trị sản phẩm khai thác thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm.
VĂN HOÀNG