Triển khai Kết luận số 79-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng tăng cường nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo vi mạch, bán dẫn.
Các trường đại học đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: Sinh viên VKU thực hành tại phòng lap thực nghiệm và nghiên cứu công nghệ số. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiệm vụ này nhằm sẵn sàng cung cấp cho thị trường lao động những kỹ sư vi mạch bán dẫn chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bước đi vững chắc trong đào tạo
Năm học 2024-2025, Trường Đại học Bách khoa mở mới chuyên ngành vi điện tử – thiết kế vi mạch thuộc ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông. Để đáp ứng kỳ vọng xã hội, nhà trường tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc đào tạo khóa sinh viên đầu tiên của chuyên ngành vi điện tử – thiết kế vi mạch, cũng như các ngành gần liên quan đến lĩnh vực này.
Về chương trình đào tạo, trường bám sát các yêu cầu thực tiễn của ngành vi mạch bán dẫn, dựa trên chuẩn đầu ra được thiết kế kỹ lưỡng bảo đảm sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên sâu. Các học phần quan trọng liên quan đến thiết kế vi mạch như: thiết kế vi mạch tương tự, thiết kế vi mạch số, thiết kế vật lý… được đưa vào chương trình, giúp sinh viên có nền tảng toàn diện về ngành học này.
Nhà trường đã có các phòng thí nghiệm về điện tử cơ bản và nâng cao do các doanh nghiệp Fujikin, Renessas, FPT hỗ trợ. Đồng thời, đầu tư mới phòng thực hành thiết kế vi mạch với 40 máy tính cấu hình cao, trang bị các phần mềm thiết kế vi mạch tiêu chuẩn công nghiệp. Ngoài ra, để giúp sinh viên tiếp cận thực tế, nhà trường mở 1 phòng thí nghiệm điện tử cơ bản với các trang thiết bị được tài trợ bởi Công ty ASIC Keysight Smart Bench Essentials.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Bách khoa không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên. Nhà trường phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Mỹ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cho các giảng viên trong mảng thiết kế vi mạch; hợp tác với các công ty lớn trong lĩnh vực này như: Cadence, Synopsys, Renesas, Siemens, Microchip… để xây dựng và phát triển nội dung giảng dạy phù hợp.
Tương tự, năm 2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) tuyển 60 chỉ tiêu kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Dự kiến đến năm 2028, tổng chỉ tiêu đào tạo từ 600 -1.000 kỹ sư, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành gần vi mạch bán dẫn để chuyển đổi sinh viên từ năm 1 (khóa 2023) đến năm 3 (khóa 2021), nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực này. Khóa đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn đầu tiên trong mùa tuyển sinh 2024-2025 tại VKU được xây dựng theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, thời lượng 4,5 năm, 160 tín chỉ.
Ngoài ra, có 6 giảng viên của VKU hoàn thành khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên (trong tổng số 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố); 6 giảng viên VKU đang theo học chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn do Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức theo tài trợ của Quỹ đổi mới và an ninh công nghệ quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, VKU mở chương trình đào tạo thạc sĩ, phát triển nhóm nghiên cứu về vi mạch bán dẫn; xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực về đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn; tuyển sinh đào tạo các lớp upskills cho sinh viên; phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. VKU đưa vào sử dụng Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH); phòng thí nghiệm và nghiên cứu Công nghệ mới và Vi mạch bán dẫn với Nam Long Group; tăng cường hợp tác với nhiều đối tác chiến lược trong và ngoài nước như: Viện Công nghệ thông tin (Đại học quốc gia Hà Nội); Viện Tích hợp hệ thống, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn; Công ty FPT Software miền Trung; Đại học Kyunghee (Hàn Quốc); Hiệp hội Vi mạch bán dẫn hệ thống hàng đầu Hàn Quốc (KFIA)…
Nhóm sinh viên VKU tham gia chương trình về Thiết kế vi mạch The Universalization of IC Design from CASS (UNIC-CASS 2024) do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems Society (CASS) tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ |
Cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán dẫn và xu hướng Đà Nẵng trở thành một trung tâm thu hút các doanh nghiệp bán dẫn, việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn là yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương cũng như cả nước.
Để thực hiện mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, phát triển cơ sở vật chất hiện đại, đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên môn cao cho đến mở rộng hợp tác với doanh nghiệp trong ngành. Việc hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành vi mạch bán dẫn là một yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
“Nhà trường tăng cường kết nối với các công ty trong và ngoài nước về lĩnh vực này để tạo ra nhiều cơ hội chia sẻ kiến thức, thực hành, thực tập cho sinh viên”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thành phố có hệ thống các trường đại học lớn với lực lượng sinh viên đông, bình quân khoảng 800 sinh viên/1 vạn dân (gấp 4 lần cả nước); đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao với trên 1.000 tiến sĩ, PGS, GS. Đây là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn.
“Đại học Đà Nẵng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn theo đề án của Chính phủ. Tuy nhiên, để triển khai thành công đề án cần có giải pháp đồng bộ. Trong đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trình Chính phủ, nhất là ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đề án, đồng thời có cơ chế đặc thù về đầu tư mua sắm theo tinh thần “đột phát của đột phá” để triển khai thành công đề án.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip – bán dẫn, nhất là cách tính chỉ tiêu, đội ngũ cơ hữu ngành gần so với quy định hiện nay, vì đây là ngành nghề mới. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo, tránh tình trạng trăm hoa đua nở, đào tạo theo phong trào dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Trước mắt, ưu tiên đặt hàng giao nhiệm vụ cho các trường đại học lớn có truyền thống về đào tạo các ngành công nghệ – kỹ thuật, có tiềm lực về đội ngũ giảng viên và chất lượng sinh viên đầu vào tốt”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nói.
NGỌC HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202411/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-ve-vi-mach-ban-dan-3994341/