Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) do anh Trương Tử Long làm giám đốc đã nghiên cứu và cung cấp giải pháp xử lý rác thải sinh học để tạo ra sản phẩm nguyên liệu đốt và giá thể đất trồng hữu cơ mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Anh Trương Tử Long, Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Hơn 8 năm làm việc trong lĩnh vực chế tạo máy băm dăm gỗ tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Liên Trì (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đã giúp anh Trương Tử Long có vốn kiến thức trong lĩnh vực tái tạo năng lượng sạch từ cây xanh.
Theo anh Long, nhiều người dân vẫn chưa biết cách xử lý cây xanh sau khi chặt, tỉa để tận dụng hiệu quả. Điều này thôi thúc anh thực hiện một dự án tái tạo năng lượng sạch từ phế phẩm cây xanh. Cụ thể, anh dự định sẽ sử dụng thân, cành cây băm nhuyễn để làm sản phẩm cung cấp cho các đơn vị lò hơi, chuyên làm viên nén; lá cây băm nhuyễn sẽ được dùng để ủ làm giá thể đất trồng cho sản xuất nông nghiệp.
Bắt tay vào việc, năm 2021, anh Long rút hết tiền tiết kiệm, vay mượn gia đình khoảng 1,2 tỷ đồng để mua sắm máy băm công nghiệp, băng chuyền, máy gắp gỗ, nhà xưởng… Ban đầu, mô hình của anh Long gặp sự cố liên tục, mỗi lần triển khai chi phí để bảo dưỡng, thay thế bộ phận linh kiện rất cao, nhất là lưỡi dao nghiền giá 40 triệu đồng/bộ. Năm 2021-2022 là quãng thời gian mô hình khởi nghiệp gặp lung lay vì không có đối tác, sản phẩm chưa hoàn thiện.
“Mỗi tháng các chi phí về vận hành, bảo trì, thay thế, nhân công… trên 150 triệu đồng. Từng có lúc, tôi đã nghĩ sẽ bỏ cuộc nhưng sau đó lại quyết tâm thực hiện tiếp ước mơ đang dang dở”, anh Long nói.
Dần về sau, việc kinh doanh ổn định hơn, anh Long quyết định thành lập doanh nghiệp là Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân vào tháng 11-2023, cũng từ đó công ty nhận được nhiều đơn hàng chất lượng. Khoảng 1 năm trở lại đây, công ty anh cung cấp khoảng 100-500 tấn/tháng gỗ băm dăm cho các doanh nghiệp năng lượng để phục vụ các lò hơi. Bên cạnh đó, khoảng 5 tấn/tháng giá thể đất trồng cho các hợp tác xã, trang trại, hộ dân trên địa bàn thành phố.
Hiện, công ty của anh là đối tác của Nhà máy bia Heineken Đà Nẵng, Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Đà Nẵng, khu du lịch Bana Rita Farm, Raku Farm, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), Công ty TNHH MTV xã hội Sông Hàn và một số doanh nghiệp khác tại Khu công nghiệp Hòa Khánh… Doanh thu công ty bình quân trên 2 tỷ đồng/năm giai đoạn năm 2023-2024.
Theo tính toán của anh Long, tổng số vốn đầu tư cho mô hình khởi nghiệp tái tạo phế phẩm sinh học từ khi bắt đầu hoạt động đến nay khoảng 3 tỷ đồng, chủ yếu chi vào mua sắm thiết bị, vận hành. Định hướng về lâu dài của anh Long là tạo ra giá thể đất trồng đáp ứng được mọi loại cây.
Qua quá trình đánh giá, thực nghiệm, sản phẩm giá thể đất trồng của anh có một ưu điểm nổi bật như giữ ẩm tốt, nhiệt độ vừa phải, giàu dinh dưỡng… Song, đối với các loại cây “kén trồng” như dược liệu, trái cây vùng miền, anh Long vẫn đang nghiên cứu, điều chỉnh giá thể đất trồng để có thể tạo nên môi trường lý tưởng để phát triển những loài này. Sắp tới, anh dự kiến sẽ thử nghiệm trồng nấm linh chi trên giá thể đất trồng để đánh giá chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, sớm đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của doanh nghiệp là nguồn nguyên bị động vào thời tiết, mùa vụ, thiếu tính ổn định; chưa thể phân loại tại nguồn gây lãng phí kho bãi, giảm năng suất xử lý; hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu mái che chắn ảnh hưởng đến bảo quản thiết bị, máy móc… Đây là lý do khiến anh Long chưa thể đầu tư mạnh về máy móc, hạ tầng để phát triển mô hình “Tái tạo năng lượng xanh”.
Để giải quyết bài toán này, anh Long mong muốn được phối hợp với các đơn vị quản lý Nhà nước như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường … để hỗ trợ chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển nguồn lực, hợp tác với Công ty Công viên – Cây xanh để có nguồn nguyên liệu qua xử lý cắt tỉa cây xanh đô thị.
Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng (SURF 2024) dự án “Tái tạo năng lượng xanh” của anh Trương Tử Long được hội đồng giám khảo đánh giá cao vì tính chất thân thiện với môi trường, phù hợp với chương trình Net-Zero.
Theo ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, mô hình của anh Trương Tử Long có tiềm năng phát triển rất lớn khi phế phẩm cây trồng được dự án dùng làm nguyên liệu đầu vào để xử lý thành các sản phẩm phục vụ lại sản xuất. Do đó, ngay sau khi kết thúc SURF 2024, dự án đã được hỗ trợ truyền thông, giới thiệu, kết nối với các chuyên gia trong cùng lĩnh vực và các quỹ đầu tư mạo hiểm và thiên thần để mô hình sớm hoàn thiện và phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.
“Đây là dự án có ý nghĩa nhân văn về mặt môi trường, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng rất kỳ vọng và mong muốn các chuyên gia, quỹ đầu tư cùng chung tay để phát triển dự án, không những triển khai trên địa bàn thành phố mà sẽ nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước và khu vực”, ông Nguyễn Viết Toàn nói.
CHIẾN THẮNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202410/phat-trien-mo-hinh-cong-nghe-tai-tao-nang-luong-xanh-3986941/