Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương này. Đây cũng là năm Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, hứa hẹn tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch Cố đô dựa trên thế mạnh đặc biệt từ di sản văn hóa.
Du lịch Huế từ sau đại dịch COVID-19 đã phục hồi mạnh mẽ với những con số ấn tượng cả về lượt khách trong nước, quốc tế cũng như lượt lưu trú. Năm 2024, Cố đô Huế đón khoảng 4 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm 2023. Trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 2,7 triệu lượt, chiếm gần 70% và tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.500 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển phong phú các loại hình du lịch di sản, hoạt động du lịch năm 2024 của tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều khởi sắc và duy trì được đà phục hồi tích cực thông qua chuỗi hoạt động lễ hội của Festival 4 mùa trải dài trong năm. Hình thành và khai thác bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế như “Huế – Thành phố Lễ hội”, “Huế – Kinh đô ẩm thực”, “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”. Mở cửa tham quan Di tích Hải Vân Quan hay đưa vào vận hành Đoàn tàu du lịch Huế – Đà Nẵng với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.
Từ nền tảng thành công của công nghiệp hóa di sản trong năm 2024, du lịch Huế tiếp tục phát huy thế mạnh từ di sản, văn hóa bằng việc mở rộng phát triển các loại hình du lịch di sản gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế, đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Đại Nội và các điểm di tích trên địa bàn.
Với một địa phương đặc thù như Huế, di sản đã mang lại giá trị lớn, nét riêng cho du lịch và cũng từ nguồn thu du lịch quay trở lại giúp di sản được bảo tồn xứng đáng. Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị định hình con đường phát triển là thành phố di sản và đang đi theo định hướng này một cách đúng đắn, hợp lý.
Nguồn: https://vtv.vn/vtv8/phat-trien-kinh-te-di-san-tu-loi-the-vuot-troi-cua-hue-20241230162204821.htm