Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 của Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt năm 2023 khởi sắc và có nhiều kỳ vọng về tiềm năng để những năm tiếp theo tăng trưởng hơn.
Cắt băng khai trương 4 tuyến buýt không trợ giá. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo Sở GTVT, năm 2023 đã thực hiện đấu thầu lựa chọn đơn vị tiếp tục vận hành 5 tuyến xe buýt trợ giá giai đoạn 2, tiếp tục duy trì 12 tuyến với 175 xe (trong đó có 11 tuyến xe buýt trợ giá với 137 xe và 1 tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng đi Thừa Thiên – Huế, với 38 xe buýt). Bên cạnh đó, dịch vụ xe đạp công cộng hỗ trợ kết nối với hệ thống các tuyến xe buýt để phục vụ hành khách thuận tiện khi đi xe buýt và du khách đi lại. Đối với hệ thống xe buýt, xe buýt trợ giá đã hoạt động 6 năm qua, trong đó giai đoạn 1 (2017 – 2019) có sản lượng tăng dần (23-52%), năm 2019 đạt cao nhất gần 4 triệu lượt.
Trong khi đó, giai đoạn 2 bị ảnh hưởng Covid-19 (2020-2021), lượng khách giảm, có thời gian dừng hoạt động. Đặc biệt, giai đoạn 3 từ năm 2022 đến nay, lượng khách tăng đều qua từng tháng (hơn 9%/tháng). Đáng chú ý, trong năm 2023 hành khách đi xe buýt tăng trưởng mạnh, với gần 1,3 triệu lượt, tăng 36% so với năm 2022.
Theo ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng (Datramac), 2023 là năm khởi sắc cho hệ thống xe buýt, thêm 5 tuyến buýt trợ giá giai đoạn 2 với loại xe nhỏ phù hợp điều kiện đi lại và 4 tuyến xe buýt không trợ giá góp phần bao phủ mạng lưới tuyến, nhất là tuyến số 3 từ sân bay Đà Nẵng đi Khu du lịch Bà Nà Hills. Dự báo từ năm 2024 là giai đoạn 4 sẽ càng khởi sắc khi có nhiều tuyến buýt hơn, phương tiện, lộ trình hợp lý hơn và có những nhà vận hành năng lực tốt hơn. Ngày 27-1 vừa qua, Sở GTVT đưa vào vận hành 4 tuyến xe buýt không trợ giá với số hiệu 03, 09, 13 và 14. Đây là 4 tuyến buýt có lộ trình mới, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp đầu tư vận hành không có trợ giá của thành phố. Tần suất từ 15 đến 30 phút/chuyến, hoạt động từ 5 giờ 30 đến 19 giờ hằng ngày.
Trước đó, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng khảo sát nhu cầu đi lại của người dân, xây dựng lộ trình, sơ đồ, mời doanh nghiệp nộp hồ sơ năng lực; đồng thời đã mời thầu trở lại các tuyến buýt ngoại tỉnh đi Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam). Trước mắt, trong 5 năm đến, 4 tuyến xe buýt không trợ giá này do Công ty CP Xe khách Phương Trang FutaBuslines vận hành. Công ty này cũng đang vận hành 5 tuyến xe buýt trợ giá khác tại thành phố.
Theo ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT, mục tiêu phát triển hệ thống xe buýt không chỉ giải quyết bài toán giao thông, giảm phương tiện cá nhân, mà còn kỳ vọng đây là “quả đấm thép” đối với hoạt động kinh doanh không hợp pháp như xe dù bến cóc, xe đi ké, xe ghép… Về giải pháp phát triển xe buýt, Sở GTVT triển khai đề án điều chỉnh tổng thể mạng lưới, trên tiêu chí tiếp cận học sinh, sinh viên, du khách, khu công nghiệp, hạn chế tuyến chuyển, rút ngắn thời gian, không chạy vòng, mở rộng các tuyến không trợ giá phù hợp tiềm năng, đầu tư điểm trung chuyển, nhà chờ… kết hợp dịch vụ xe đạp công cộng làm cầu nối di chuyển.
“Hoạt động vận tải hành khách công cộng như xe buýt được mở rộng thì người dân thuận tiện hơn trong di chuyển, Sở GTVT cố gắng phát triển hệ thống xe buýt với phương tiện tốt, hiện đại, thoải mái, cùng với lực lượng chức năng xử lý vi phạm, với mong muốn trong tương lai gần nhất, hoạt động kinh doanh vận tải trá hình từng bước bị kiềm chế”, ông Bùi Hồng Trung nói.
Ông Lương Huỳnh Ân, đại diện Khu du lịch Bà Nà Hills cho biết, trong các tuyến xe buýt không trợ giá mới đây, tuyến số 3 từ sân bay Đà Nẵng đi Bà Nà Hills chỉ 30.000 đồng/vé, học sinh, sinh viên được hưởng mức giá vé 8.000 đồng. Giá vé từ 8.000 đồng (dành cho học sinh, sinh viên) và cao nhất là 30.000 đồng (sân bay Đà Nẵng – Bà Nà Hills). Học sinh, sinh viên, công nhân, người trên 60 tuổi, người hưởng chính sách thương bệnh binh, cha mẹ, vợ con, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật được giảm 50% giá vé tháng. Đây cũng là tuyến buýt có ý nghĩa rất quan trọng với hành khách, nhất là du khách và ngành du lịch Đà Nẵng. Khi tuyến đường có lượng người đi lớn nên đáp ứng nhu cầu, sự thuận tiện và tăng thêm giải pháp giao thông cho du khách đến thăm Đà Nẵng và quần thể du lịch Bà Nà, suối Mơ, góp phần thúc đẩy du lịch Đà Nẵng.
Theo Sở GTVT, việc đưa vào hoạt động tuyến xe buýt không trợ giá sau nhiều năm vận hành xe buýt trợ giá, là tín hiệu vui cho ngành giao thông vận tải và sự phát triển của mạng lưới giao thông công cộng. Đây còn là tiền đề để ngành GTVT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới các loại hình giao thông công cộng khác đến năm 2030, gia tăng các tiện ích đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
THÀNH LÂN