Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp, qua đó tạo điều kiện để hội viên liên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương.
Các sản phẩm nấm mộc nhĩ, sò trắng, sò tím và linh chi do hộ ông Đinh Văn Hòa (thuộc Chi hội nghề nấm An Khê, quận Thanh Khê) sản xuất và cung cấp đến người tiêu dùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp
Về hưu năm 2009, ông Đinh Văn Hòa (SN 1959, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) bắt đầu trồng các loại nấm mộc nhĩ, sò trắng, sò tím và linh chi để cung cấp cho các chợ và người dân có nhu cầu. Ngoài gia đình ông Hòa, trên địa bàn có nhiều hộ gia đình cũng làm nghề sản xuất nấm. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên chưa đạt hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, năm 2016, Hội Nông dân quận Thanh Khê khảo sát và quyết định thành lập Chi hội nghề nấm An Khê nhằm liên kết các hộ trồng nấm, nâng cao chất lượng và tạo hiệu quả đầu ra cho sản phẩm.
Ông Đinh Văn Hòa, Chủ nhiệm Chi hội nghề nấm An Khê cho biết, hiện nay chi hội có 12 thành viên/5 hộ trồng nấm với thu nhập trung bình hằng tháng từ 5 đến 7 triệu đồng/1 thành viên. Tham gia chi hội, các thành viên được tạo điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng. Ngoài ra, Hội Nông dân quận Thanh Khê tạo điều kiện giúp thành viên vay vốn phát triển sản xuất. Trong đó, ông Đinh Văn Hòa đã 2 lần được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 100 triệu đồng.
Sau 4 năm thành lập, Tổ hội nghề “chả giò bà Quýt” (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) hoạt động hiệu quả, cung cấp các loại chả, nem cho khách hàng và tạo được thương hiệu được người dân, du khách biết đến. Bà Đặng Trần Mỹ Liên (SN 1971, trú phường Tam Thuận) Chủ nhiệm Tổ hội nghề “chả giò bà Quýt” cho biết, Tổ hội nghề “chả giò bà Quýt” do Hội Nông dân quận Thanh Khê thành lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Tổ hội hoạt động hiệu quả theo mô hình kinh tế tập thể, trung bình hằng tháng, mỗi thành viên có thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, Hội Nông dân và Phòng Kinh tế quận Thanh Khê thường xuyên kết nối, đưa sản phẩm nem, chả của tổ hội tham gia các hội chợ nông sản, tạo cầu nối để quảng bá sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.
Theo Hội Nông dân thành phố, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập 10 chi hội, tổ hội nghề nghiệp ở các địa phương chưa có Hội Nông dân; đồng thời củng cố các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã thành lập trước đó.
Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất
Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê Nguyễn Thị Hải Lý cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân quận chú trọng xây dựng mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tại các phường chưa có Hội Nông dân, theo nguyên tắc “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi). Từ năm 2018 đến nay đã thành lập 15 chi hội nghề, 19 tổ hội nghề, góp phần hình thành liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Đặc biệt, Quận hội chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ các chi hội, tổ hội nghề nghiệp vay vốn để đầu tư trang thiết bị, phát triển quy mô sản xuất. 5 năm qua, Quận hội phối hợp các ngân hàng giúp hơn 2.000 lượt hộ vay gần 100 tỷ đồng; tham mưu, đề xuất UBND quận Thanh Khê ủy thác hơn 1,1 tỷ đồng qua Quỹ hỗ trợ nông dân quận giúp hơn 300 hộ vay vốn phát triển sản xuất, từ đó, hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, giúp người dân ổn định đời sống.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết, việc thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng, được xem là “cánh tay nối dài” của Hội Nông dân tại các địa phương chưa có Hội Nông dân trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và hoạt động nông nghiệp, nông dân. Đặc biệt, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sau khi thành lập đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với doanh nghiệp, ngân hàng, nhà tư vấn trong quá trình sản xuất. Đồng thời, được hỗ trợ kiến thức, nắm thông tin giá cả thị trường; được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các quận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức hội ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất tại các địa phương.
NGỌC QUỐC