Mở rộng không gian phát triển; xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh; trung tâm của vùng về du lịch – dịch vụ, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển; phát triển kinh tế xanh… là những định hướng quan trọng của Bộ Chính trị trong Kết luận số 79-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.
Huyện Hòa Vang được định hướng xây dựng trở thành đô thị vệ tinh. TRONG ẢNH: Khu vực nút giao thông đường vành đai phía tây 2 với đường ĐT.601 và đường nối nam hầm Hải Vân – Túy Loan. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đô thị vệ tinh, đô thị du lịch lớn
Huyện Hòa Vang đã và đang phấn đấu xây dựng, phát triển đạt tiêu chí đô thị loại 4 và đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc thành phố Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất. Nhưng theo một số chuyên gia, nhà quản lý, qua so sánh tiêu chí đô thị loại 4 và đô thị loại 3, mức độ chênh lệch không nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào quy mô và mật độ dân số. Thực tế, huyện Hòa Vang có chủ yếu là đất nông nghiệp, mật độ các điểm dân cư nông thôn phân tán. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển nhanh chóng các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu hướng, mô hình ở mới, có sức thu hút lớn; thuận lợi áp dụng các tiêu chí vượt trội về đô thị để phát triển đồng bộ hạ tầng, thu hút dân cư, đặc biệt là giãn dân từ khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Trưởng ban Đô thị – HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến nhìn nhận, việc hình thành đô thị có cấp độ cao hơn đối với huyện Hòa Vang như đô thị loại 3 là hoàn toàn có nhiều điểm thuận lợi. Khi đó, Hòa Vang sẽ có nhiều cơ hội phát triển và sẽ đóng vai trò vệ tinh cho khu trung tâm của thành phố Đà Nẵng. “Việc xây dựng đô thị Hòa Vang hướng đến mô hình mới “thành phố trong thành phố” sẽ tạo sự đột phá hơn nữa về phát triển toàn diện cho Hòa Vang. Đặc biệt, việc hình thành một đô thị với các tiêu chuẩn của một thành phố (đô thị loại 3 trở lên) ngay từ bước chuẩn bị sẽ giúp Hòa Vang có được định hướng với các tiêu chí đột phá, vượt trội về đô thị. Từ đó, hình thành một cực phát triển mới về phía tây thành phố, một đô thị vệ tinh đúng nghĩa, đủ sức thu hút và kéo giãn dân rời xa trung tâm thành phố đang quá tải về mật độ cư trú như hiện nay”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Tiến, một số chuyên gia còn cho rằng, Hòa Vang là một điểm nút quan trọng trong chuỗi đô thị phía tây, tây bắc của thành phố Đà Nẵng, gắn kết với các địa phương lân cận và hệ thống đô thị khu vực trọng điểm miền Trung. Do đó, cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để tăng tốc phát triển cho Hòa Vang, trong đó cần tập trung nguồn lực về tài chính cho đầu tư công; có cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược về phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, các nhà đầu tư chiến lược về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và có cơ chế vượt trội để đầu tư đường đô thị, đường sắt đô thị để sớm hình thành các hệ thống giao thông vận tải khối lượng lớn (TOD) kết nối Hòa Vang với trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group – Vùng miền Trung, để phát triển đô thị, du lịch Hòa Vang vừa hiện đại vừa sinh thái, sớm bắt kịp đường đua phát triển, tạo nên một đô thị vệ tinh chủ lực góp sức đưa Đà Nẵng vươn tầm quốc tế, huyện Hòa Vang cũng cần tạo dựng nền tảng hạ tầng đô thị bài bản, đồng bộ, vừa hiện đại vừa sinh thái, có giá trị khác biệt và tính bền vững.
Đây là bước đi quan trọng để Hòa Vang nâng tầm diện mạo, tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư cũng như thu hút đội ngũ chuyên gia, doanh nhân, người thành đạt trong nước, quốc tế đến an cư, làm việc lâu dài, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng sẽ có bước phát triển đột phá, sớm trở thành thành phố đáng sống, đáng đầu tư đẳng cấp quốc tế nhờ được vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội mà Quốc hội vừa thông qua. Thành phố và huyện cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy du lịch, dịch vụ, giao thông và phát triển tương xứng với diện mạo đô thị vệ tinh mới.
Trong lĩnh vực du lịch, tính đến tháng 12-2023, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 16 khu, điểm du lịch, 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với 45.672 phòng, trong đó có 103 cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao với 20.282 phòng (chiếm 44,4% tổng số phòng toàn khối cơ sở lưu trú). Thành phố có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư, đưa vào hoạt động với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng, nhất là ở ven biển; các khu, điểm tham quan, du lịch, công viên chủ đề được các nhà đầu tư tập trung phát triển gắn với các dịch vụ đặc sắc. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhìn nhận, Đà Nẵng tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững trên 10 không gian du lịch chức năng.
“Để khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của Đà Nẵng, thành phố, ngành du lịch cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột, bao gồm nhóm sản phẩm du lịch biển cao cấp; nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; nhóm sản phẩm du lịch MICE; nhóm sản phẩm du lịch đô thị và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía tây thành phố. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đón bắt các luồng xu hướng khách, gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến là nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch từ nhiều thị trường khác nhau. Du lịch MICE cần được xác định là nhóm sản phẩm trọng tâm, bởi Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cần được chuẩn hóa quy trình tổ chức phục vụ với định vị sản phẩm chất lượng cao”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.
Hướng đến tăng trưởng xanh
Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển. Thành phố đã tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động…
Theo bà Nguyễn Thị Phương Linh, Giám đốc khối phát triển bền vững của Công ty TNHH Giải pháp điều khiển và tự động hóa, thành phố cần ưu tiên phát triển các dịch vụ xanh mà không yêu cầu phải có quỹ đất lớn đi kèm. Đặc biệt là xây dựng trung tâm trung hòa carbon nhằm cung cấp các công nghệ, dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tại miền Trung đáp ứng tuân thủ yêu cầu cân bằng phát thải, trung hòa carbon và Net-Zero.
Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm đầu tư tác động, đầu tư xanh và đầu tư ESG (việc lựa chọn đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị của một công ty) để phát triển mảng dịch vụ tài chính tác động, tài chính xanh, phục vụ trung tâm tài chính quốc tế có quy mô khu vực mà Đà Nẵng đang hướng đến. Đồng thời, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo xanh nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các công nghệ, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng và nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu…
“Với việc hình thành hệ sinh thái tăng trưởng xanh nói trên, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành một hình mẫu về phát triển kinh tế xanh của Việt Nam và khu vực; tăng khả năng thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư tác động vào khu vực miền Trung, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo việc làm xanh và tăng thu ngân sách bền vững cho địa phương”, bà Phương Linh nhìn nhận.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà vào ngày 2-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW có nhiều định hướng, cơ chế, chính sách cho thành phố. Các chuyên gia khi nghiên cứu nội dung của Kết luận số 79-KL/TW cũng đã thấy Trung ương đặc biệt quan tâm và có những định hướng rất cụ thể cho Đà Nẵng, trong đó định hướng thành phố là một trung tâm kinh tế lớn, phát triển theo hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, bền vững…, gắn với du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Thành phố cũng hướng đến phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin… “Với định hướng này bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững, phát triển xanh và mang lại các lợi ích lâu dài”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
HOÀNG HIỆP – THU HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202407/phat-huy-vai-tro-vi-the-cua-da-nang-bai-cuoi-mo-rong-khong-gian-phat-trien-thuc-day-kinh-te-xanh-3977924/