Theo nội dung Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, trước mắt tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm vùng về logistics… Đây là những chủ trương được kỳ vọng làm động lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành kinh tế, mang lại sự phát triển bứt phá, phát huy vai trò trung tâm của Đà Nẵng trong vùng động lực miền Trung.
Việc xây dựng thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu sẽ là động lực để thành phố Đà Nẵng phát triển bứt phá. TRONG ẢNH: Một góc công trình Cảng biển Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) đang được thi công. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Gắn với vai trò trung tâm của Đà Nẵng
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có một số cơ chế, chính sách đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu thương mại tự do và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan.
Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho rằng, trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng, khu sản xuất sẽ bao gồm Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất, bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai như: Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Khu công ngiệp Hòa Nhơn, Khu công nghiệp Hòa Ninh và Cụm công nghiệp Hòa Liên, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ…
Khu thương mại – dịch vụ sẽ có nhiều dịch vụ tài chính, thương mại, cửa hàng miễn thuế…, là địa điểm lý tưởng cho hoạt động thương mại, dịch vụ và cũng tiếp giáp với các khu, điểm du lịch có thương hiệu trên địa bàn huyện Hòa Vang như: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài…
“Khu thương mại tự do Đà Nẵng được thành lập sẽ có tiềm năng thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao làm đa dạng hoạt động thương mại và dịch vụ, gắn với vai trò trung tâm của thành phố Đà Nẵng theo định hướng của Bộ Chính trị”, ông Vũ Quang Hùng chia sẻ.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương bày tỏ kỳ vọng, việc xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cách thức hiệu quả để rút ngắn thời gian và chi phí thâm nhập vào thị trường thế giới. Với đặc thù chủ yếu là sản xuất và thương mại quốc tế, khu thương mại tự do sẽ tạo nên môi trường làm việc ở trình độ quốc tế, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực xuất khẩu của đất nước, tăng thu ngoại tệ.
Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo tăng trưởng hàng hóa qua các cảng biển của thành phố, thúc đẩy Đà Nẵng thành trung tâm cảng biển của khu vực miền Trung và kéo theo nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế. Cụ thể, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ thúc đẩy các hoạt động logistics, nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại… của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng; tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung – Tây Nguyên…
Bên cạnh đó, việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể mang lại các lợi ích gián tiếp như: hình thành trụ sở của các tập đoàn lớn, đổi mới khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển kinh tế hàng hải, thu hút nhân tài… mang lại tác động to lớn đối với kinh tế – xã hội.
Thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm logistics của vùng
Cùng với khu thương mại tự do, trong nội dung Kết luận số 79-KL/TW, Bộ Chính trị cũng nêu rõ cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Được biết, thành phố đang phối hợp, thực hiện các công việc liên quan theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam trong việc xây dựng đề án, trong đó có đề xuất các chính sách ưu đãi, đặc thù đối với Trung tâm tài chính quốc tế có quy mô khu vực tại Đà Nẵng.
Trong các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mà Quốc hội vừa thông qua có chính sách thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới. Một số chuyên gia, nhà khởi nghiệp đề xuất thành phố nghiên cứu có cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát công nghệ chuỗi khối (blockchain), một trong những công nghệ cốt lõi phục vụ hoạt động quản lý tài sản số, trung tâm công nghệ tài chính (Fintech). Việc thử nghiệm có kiểm soát về ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong quản lý tài sản số tạo điều kiện để thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực, hình thành và phát triển tài sản số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hướng đến sớm hình thành Trung tâm Fintech nói riêng và Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng nói chung (Trung tâm Fintech là một bộ phận cấu thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng).
Ông Nguyễn Văn Chương, Quản lý Chương trình Swiss EP tại Đà Nẵng (Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong quản lý tài sản số và thử nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ chuỗi khối là xu hướng tất yếu, tích hợp công nghệ đang diễn ra hiện nay. Điều này không chỉ liên quan đến việc tạo ra nhiều tiện ích, cung cấp và mang đến nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn nằm trong bức tranh tổng thể thành phố thông minh (smart city) của Đà Nẵng; cùng với đó, phù hợp với công nghệ trong lĩnh vực tài chính – Fintech mà Đà Nẵng đang hướng đến.
Cũng trong các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đối với từng khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng như: khu sản xuất, khu thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu. Việc thu hồi đất xây dựng các hạng mục, công trình để hình thành trung tâm logistics được thực hiện theo quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai.
Chính sách này đã “cởi trói” cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trung tâm logistics, khu hậu cần dịch vụ logistics… trên địa bàn thành phố những năm qua để thành phố sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư các trung tâm logistics. Khi có các trung tâm logistics, thành phố sẽ phát triển các dịch vụ logistics chuyên sâu (theo mô hình 3PL, 4PL, 5PL) có giá trị gia tăng cao nhằm tận dụng tối đa lợi thế hàng hóa qua các đầu mối vận tải trên địa bàn thành phố, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng về logistics theo Kết luận số 79-KL/TW.
TS.KTS Lê Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng thành phố cũng cần sớm triển khai đầu tư hạ tầng khung đô thị, trong đó có các tuyến giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để kết nối các trung tâm logistics với các dự án trọng điểm như: Nhà ga đường sắt mới tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang); tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn Hòa Liên – Túy Loan và tuyến đường vành đai phía tây, xây dựng đường gom hai bên đường cao tốc từ nút giao thông Hòa Liên đến Khu công nghiệp Hòa Cầm để kết nối các khu, cụm công nghiệp dọc tuyến; quốc lộ 14G, quốc lộ 14B, các tuyến đường sắt đô thị (NRT1, LRT6, LRT9, LRT10, LRT11…)…
Đặc biệt, huyện Hòa Vang rất phù hợp ứng dụng mô hình Urban logistics park (trung tâm logistics đô thị) nhằm tạo ra một tổng thể hài hòa, không chỉ là không gian kho bãi, mà cả một chuỗi hoạt động liên kết sinh thái cho những hoạt động chính logistics.
MAI QUẾ – HOÀNG HIỆP
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202407/phat-huy-vai-tro-vi-the-cua-da-nang-bai-2-xay-dung-khu-thuong-mai-tu-do-phat-trien-cac-trung-tam-logistics-3977822/