Tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị tiếp tục định hướng phát triển Đà Nẵng theo những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết đã đặt ra. Đồng thời, có một số định hướng mới để Đà Nẵng phát triển bứt phá, phát huy vai trò, vị thế của thành phố.
Thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển là trung tâm công nghệ cao của cả nước. TRONG ẢNH: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ |
Bài 1: Trung tâm công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Thành phố Đà Nẵng tiếp tục được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Hướng tới trung tâm công nghệ cao đồng bộ
Là 1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước và duy nhất tại miền Trung, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) được xác định là hạ tầng quan trọng để góp phần định vị Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao. Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tính đến ngày 30-5, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 30 dự án; trong đó có 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 726,7 triệu USD và 17 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 8.198 tỷ đồng.
Các dự án thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thu hút các lĩnh vực mũi nhọn công nghệ cao mà thành phố hướng đến như: vi mạch bán dẫn (Công ty TNHH điện tử Foxlink Đà Nẵng); hàng không vũ trụ (Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam, Công ty TNHH KP AeroSpace Vietnam), y tế công nghệ cao (Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium, Hàn Quốc)… Tín hiệu tích cực là sau khi đầu tư giai đoạn 1 dự án nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD, Tập đoàn Foxlink (Đài Loan – Trung Quốc) giới thiệu một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn Đài Loan, Nhật Bản đến đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với dự kiến diện tích cần đầu tư thêm khoảng 50ha.
Kết luận số 79-KL/TW cũng định hướng tiếp tục mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị – công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ. Thực hiện nội dung trên cũng như chủ động đón làn sóng đầu tư công nghiệp công nghệ cao thời gian tới, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết đã có công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đưa đề án mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng vào danh mục đề án thực hiện năm 2024.
UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2644/UBND-SXD trình Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Sau khi quy hoạch được điều chỉnh, Ban quản lý sẽ nghiên cứu tỷ lệ đất sử dụng cho sản xuất, các khu chức năng khác phù hợp với chuẩn của khu công nghệ cao toàn quốc. Ban quản lý tiếp tục xây dựng, triển khai mô hình khu đô thị thông minh tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với các nhiệm vụ quản lý hạ tầng phần cứng và phần mềm; hệ thống quản trị thông minh…
Bên cạnh đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, thành phố đang kêu gọi đầu tư vào 6 dự án lớn trên địa bàn huyện Hòa Vang, bao gồm: Khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang quy mô 229,1ha; Cụm công nghiệp Hòa Nhơn quy mô 24,7ha; Chợ đầu mối Hòa Phước 30,9ha; Khu Công nghiệp Hòa Ninh 400ha; Trung tâm Cảng cạn – logistics Hòa Nhơn quy mô 20ha; 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các xã Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Phong.
Đây là các dự án được phê duyệt trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11-2023; qua đó, hướng tới xây dựng huyện Hòa Vang trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao mới, góp phần định hình Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao vùng và quốc gia.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thu hút nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn tới làm việc và mở rộng sản xuất. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, Đà Nẵng). Ảnh: M.Q |
Phát triển nguồn lực khởi nghiệp
Vừa qua, tại báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024”, nền tảng nghiên cứu đổi mới kinh tế toàn cầu StartupBlink xếp hạng Đà Nẵng lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896 và đứng vị trí thứ 22 tại khu vực Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng được ghi danh trong báo cáo và khẳng định vị trí song hành với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội trong thu hút các dự án khởi nghiệp.
Theo định hướng tại Kết luận số 79-KL/TW, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính. Thành phố cũng cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn…
Đối với định hướng nói trên của Bộ Chính trị, thành phố đã chuẩn bị quỹ đất, các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch bán dẫn, AI. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về vi mạch, bán dẫn và AI.
Đà Nẵng có 1 khu công nghệ cao và 3 khu công nghệ thông tin tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Dự kiến công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2024; đồng thời, thành phố chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phù hợp cũng như đầu tư thêm 3 khu công nghệ thông tin mới.
Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có nhiều nhóm chính sách liên quan đến đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên cho biết, một số nhóm chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, AI… mà Quốc hội vừa thông qua sẽ tạo môi trường thuận lợi, tăng tính cạnh tranh quốc tế, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ, nhân lực đến Đà Nẵng.
Trong nhóm chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát, có cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo… Đây là chính sách mới, khuyến khích tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, mang lại giá trị, hiệu quả đóng góp vào sự phát triển chung. Nhóm chính sách khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… là cơ chế cần thiết để giúp các dự án còn non trẻ có không gian để làm việc, phát triển dự án, hoàn thiện công nghệ cũng như có cơ hội tiếp cận, kết nối với các nguồn lực chuyên gia, nguồn lực tài chính để phát triển doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc Quốc hội thông qua các chính sách đặc thù của Đà Nẵng là tín hiệu đáng mừng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.
Thành phố vừa có tiềm lực, tiềm năng để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vừa có được những cơ chế, chính sách đặc thù là cơ hội rất lớn để thu hút nguồn nhân lực, đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện bứt phá cho những giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới tiếp cận thị trường nhanh chóng hơn. Đây là những yếu tố, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Cũng theo ông Quất, khi các chính sách đặc thù này được thực thi, nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ không riêng Đà Nẵng, mà cho cả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
MAI QUẾ – VĂN HOÀNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202407/phat-huy-vai-tro-vi-the-cua-da-nang-3977784/