Ngày 16-1, tại hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” do UBND thành phố phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng các chuyên gia, đại diện các tập đoàn, quỹ đầu tư có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất để thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh, kết hợp các nguồn lực để xây dựng Trung tâm tài chính.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên phải) và đại diện Quỹ Đầu tư Makara Capital (Singapore) trao biên bản ghi nhớ tại hội thảo. Ảnh: M.QUẾ |
Xác định hướng phát triển
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 47-TB/TW về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Để quán triệt và bảo đảm triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo kết luận số 47-TB/TW, trong thời gian ngắn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31-12-2024 về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 47-TB/TW và Quyết định số 1718/QĐ-TTg ngày 31-12-2024 về thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Về phía địa phương, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Quyết định số 13111-QĐ/TU ngày 3-1-2025 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình làm việc và phân công nhiệm vụ từng thành viên, ban hành kế hoạch thực hiện để bảo đảm sự thống nhất, đạt kết quả cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng dựa trên điều kiện nền tảng chung của cả quốc gia với tình hình chính trị ổn định, quy mô nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng cao, độ mở lớn và hội nhập với nền kinh tế thế giới… Đặc biệt là vị trí chiến lược có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu cũng như vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới. Từ lợi thế của quốc gia là điều kiện nền tảng, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác và hỗ trợ, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính.
Dựa trên kinh nghiệm thành công của các Trung tâm tài chính quốc tế, Tiến sĩ Andreas Baumgartner, Tổng Giám đốc kiêm nhà sáng lập The Metis Institute (Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE)) cho rằng, có 5 yếu tố cốt lõi để hình thành trung tâm như: định vị rõ ràng và đề xuất giá trị cụ thể; môi trường quản trị và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch, đáng tin cậy; môi trường vật chất hấp dẫn; cộng đồng năng động và sự kiên trì và xuất sắc trong thực thi.
Khi Việt Nam thành lập hai trung tâm tài chính ở cả Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh thì việc phân biệt chức năng, nhiệm vụ hai trung tâm này là rất quan trọng. Điều này bảo đảm rằng mỗi trung tâm có thể khai thác tốt nhất tiềm năng riêng và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thị trường. Trong khi đó, ông Andy Khoo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Terne Holdings (Singapore) cho rằng, quản trị là nền tảng của bất kỳ trung tâm tài chính thành công nào. Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng cần bảo đảm sự độc lập trong quy định, tính minh bạch và cách tiếp cận chính sách có tầm nhìn xa.
Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao để Trung tâm tài chính Đà Nẵng phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm khả năng tiếp cận cho các bên liên quan trên toàn cầu. Để bảo đảm rõ ràng về mặt pháp lý, ông Andy Khoo đề xuất thiết lập một khung trọng tài chuyên biệt với đội ngũ chuyên gia quốc tế. Điều này sẽ mang lại sự yên tâm cho các doanh nghiệp rằng các tranh chấp của họ có thể được giải quyết một cách hiệu quả và công bằng. Đồng thời, việc áp dụng chiến lược thuế linh hoạt sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư mà không gây bất lợi cho sự ổn định tài chính.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: M.QUẾ |
Tập trung 5 nhiệm vụ, giải pháp
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá đây là hội thảo chất lượng, thu hút rất nhiều nhà đầu tư, nhà khoa học trong và ngoài nước. Trung tâm tài chính là vấn đề mới, đóng vai trò quan trọng như một “cú hích” của nền kinh tế, thúc đẩy để Việt Nam vươn mình cất cánh. Các chuyên gia, tổ chức tài chính đều đánh giá: Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa điểm hoàn toàn đúng đắn, hội tụ đủ yếu tố hiện tại và tiềm năng trong tương lai để phát triển Trung tâm tài chính.
Các diễn giả đều có nhận xét chính xác về những định hướng, chính sách dự kiến và có nhiều gợi mở cho Chính phủ Việt Nam, cũng như kỳ vọng Việt Nam khi có hai trung tâm tài chính này sẽ trở thành một phần ngày càng quan trọng của kinh tế thế giới. Muốn đất nước phát triển bền vững thì Trung tâm tài chính là quyết định mang tính chiến lược. Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ các ý kiến tại hội thảo; đồng thời mong các diễn giả tiếp tục đồng hành với Việt Nam để phát triển trung tâm tài chính.
Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, hai thành phố và các bộ, ngành bám sát các vấn đề mà Chính phủ và chuyên gia đã chỉ ra. Đặc biệt là tập trung học hỏi kinh nghiệm của các trung tâm tài chính đã được xây dựng và phát triển bền vững hiện tại. Điểm mạnh của hai thành phố ngoài cơ sở hạ tầng là nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là quyết tâm của cả hệ thống chính trị tại địa phương.
Bên cạnh đó, hai thành phố tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất là hạ tầng pháp lý tốt, cơ chế chính sách ưu đãi hấp dẫn. Theo đó, Chính phủ đang nghiên cứu, tìm hiểu thêm các cơ chế chính sách tại các trung tâm tài chính trên thế giới để tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp, cởi mở, đáng tin cậy và Việt Nam mong muốn các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện điều này. Thứ hai, các thành phố cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, liên hệ các trung tâm tài chính để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp. Thứ ba, chuẩn bị về hạ tầng, cụ thể là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng môi trường sống, môi trường làm việc và hệ sinh thái xung quanh trung tâm tài chính như Khu thương mại tự do, cảng, bến bãi…
Hai thành phố phải xây dựng môi trường sống hấp dẫn để thu hút nhân tài. Thứ tư là lựa chọn hướng xây dựng trung tâm tài chính phù hợp, đặc thù với điều kiện của Việt Nam. Cuối cùng là kết nối với những tổ chức, đối tác phù hợp để lan tỏa.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cho biết, về phía thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu những ý kiến, đề xuất trước, trong và sau hội thảo.
Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Chính phủ để Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thành công các trung tâm tài chính, bên cạnh đó là nhận được sự đồng hành của các đối tác để phát triển hai trung tâm tài chính độc lập nhưng hỗ trợ lẫn nhau. Đây là thách thức lớn, lĩnh vực mới mẻ nhưng là chiến lược đột phá trong phát triển kinh tế, tài chính, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trao các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và các đối tác
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện thành phố Đà Nẵng và các đối tác trao biên bản ghi nhớ hợp tác. Cụ thể: UBND thành phố và Quỹ Đầu tư Makara Capital (Singapore); UBND thành phố và Tập đoàn Terne Holdings (Singapore); UBND thành phố và Hiệp hội Blockchain Việt Nam; Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng và các đối tác: Học viện TMC (Singapore), Đại học Yuan Ze (Đài Loan, Trung Quốc), Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW).
|
MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202501/phat-huy-cac-nguon-luc-de-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-3999349/