Báo cáo kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2023 của Cục Thống kê thành phố cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng ước tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2022; quy mô nền kinh tế 9 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 97.581 tỷ đồng, mở rộng gần 7.088 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ngành du lịch Đà Nẵng tăng trưởng cao so với cùng kỳ. TRONG ẢNH: Du khách từ tàu biển Resorts World One tham quan thành phố ngày 4-10. Ảnh: THU HÀ |
Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng
Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Khu vực dịch vụ ước tăng 4,44%. Trong đó, uớc tính 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,5% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 38,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 139,9% (là một trong những nhóm ngành có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ tiêu dùng khác tăng 27,7%.
Một số ngành trong khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm khá cao như: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 54,55%; dịch vụ khác tăng 35%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26,98%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 18,5%…
Doanh thu 9 tháng ngành dịch vụ vận tải, kho bãi; bưu chính và chuyển phát ước đạt 23.805 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ. Tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn ngành tài chính – ngân hàng 9 tháng ước đạt 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Về du lịch, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 5,86 triệu lượt, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, cao gấp 5,9 lần so với cùng kỳ; khách trong nước đạt 4,26 triệu lượt, tăng 69,7% so với cùng kỳ. Doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt gần 3.777 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị tăng thêm toàn ngành lưu trú và ăn uống 9 tháng ước tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tuy ngành công nghiệp – xây dựng gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay, nhưng nếu tính riêng tháng 9-2023, chỉ số IIP tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 3,5% so với tháng trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành công nghiệp đang dần phục hồi.
Ngành công thương tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu các sản phẩm trưng bày tại Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo Đà Nẵng năm 2023. Ảnh: MAI QUẾ |
Tập trung giải pháp phát triển ngành chiếm tỷ trọng lớn
Để hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế trong năm 2023, Cục trưởng Cục Thống kê Trần Văn Vũ cho rằng thành phố cần theo dõi và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có các doanh nghiệp, tập đoàn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; đồng thời linh hoạt với tình hình thực tế để có những chủ trương, chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp để duy trì và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng tốt và khôi phục những lĩnh vực còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch cuối năm; hỗ trợ các khu điểm du lịch đưa vào các sản phẩm, dịch vụ mới; tiếp tục đăng cai tổ chức các sự kiện lớn để thu hút du khách…
Ngành công thương tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển; có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất thông minh, tiết kiệm năng lượng; triển khai hiệu quả các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (ban quản lý) cho biết, 3 tháng cuối năm, ban quản lý triển khai đề án Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) mới (Hòa Cầm – giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh) và KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; phấn đấu hoàn thành các thủ tục để lựa chọn được nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2 theo phương thức đấu thầu rộng rãi; phối hợp với các đơn vị điều chỉnh quy hoạch KCN Hòa Nhơn; làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về mở rộng Khu Công nghệ cao; rà soát quy hoạch KCN Hòa Khánh để có điều chỉnh phù hợp…
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, trong quý 4-2023, sở hoàn thành, trình phê duyệt các nội dung đề xuất trong lĩnh vực công thương tích hợp quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện phương án quản lý, vận hành và khai thác cụm công nghiệp Cẩm Lệ để báo cáo UBND thành phố sớm đưa vào hoạt động.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, sở tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành có liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh, phát triển thương mại điện tử… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển.
Bên cạnh đó, ngành công thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển các thị trường mới thay thế các thị trường xuất khẩu truyền thống đang gặp khó khăn.
MAI QUẾ