Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng, cống hiến và phát triển, toàn hệ thống Agribank nói chung, Văn phòng đại diện và các chi nhánh, đơn vị khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đã có nhiều nỗ lực phấn đấu trong việc thực hiện các chỉ đạo, định hướng hoạt động kinh doanh từ trụ sở chính. Qua 30 năm hình thành và phát triển, những dấu ấn tích cực trong kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung và các chi nhánh khu vực miền Trung – Tây Nguyên được thể hiện đậm nét.
Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung ký kết quy chế phối hợp với Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN QUANG |
Các chi nhánh trong khu vực không ngừng tăng trưởng
Từ 11 chi nhánh cấp tỉnh (loại I) vào năm 1994 khi thành lập khu vực miền Trung, đến tháng 5-2024, Agribank khu vực miền Trung đã có 17 chi nhánh loại I, 185 chi nhánh loại II, 150 phòng giao dịch. Mạng lưới này phân bổ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, nơi tập trung đông dân cư giúp bảo đảm duy trì tốt khả năng cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác trên cùng địa bàn. Lao động trong định biên của các chi nhánh trong khu vực miền Trung tính đến tháng 5-2024 là 5.586 người, tăng 1,8 lần so với khi mới thành lập (3.191 người) và cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động của các đơn vị cũng như chất lượng lao động được nâng lên qua từng năm, năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước.
Trong hoạt động huy động nguồn vốn, các chi nhánh trong khu vực miền Trung đã tăng trưởng mạnh qua các năm, hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần cùng Agribank giữ vững vị thế ngân hàng thương mại có nguồn vốn lớn nhất trong khu vực. Các chi nhánh cũng duy trì bám sát diễn biến thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động, điều chỉnh linh hoạt lãi suất; chủ động, tích cực trong việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm huy động vốn… Nhờ đó, đến ngày 31-5-2024, nguồn vốn huy động tại khu vực đạt 232.423 tỷ đồng, tăng gấp 282 lần so với thời điểm mới thành lập (824 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 21,7%, trong đó chủ yếu là tiền gửi dân cư; Agribank chiếm thị phần cao nhất so với nhóm Big 4 với tỷ lệ 22,9%.
Cùng với cả hệ thống Agribank, các chi nhánh trong khu vực luôn nỗ lực, phấn đấu qua các năm giúp tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh đều đạt mục tiêu đề ra, cơ cấu tín dụng được chuyển đổi phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và định hướng của đề án tái cơ cấu của Agribank. Theo đó, đến ngày 31-5-2024, tổng dư nợ đầu tư vào nền kinh tế đạt 224.462 tỷ đồng, tăng 163 lần so với thời điểm mới thành lập (1.378 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 19,1%, chiếm thị phần cao nhất so với nhóm Big 4 với tỷ lệ 17,8%.
Qua đó đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ phát triển các lĩnh vực nuôi trồng, thu mua, sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông – lâm – thủy hải sản, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình và cá nhân, phục vụ các chính sách ưu đãi, đối tượng ưu tiên, dự án trọng điểm của nền kinh tế và từng địa phương. Mặt khác, Agribank đã khẳng định được vị trí, vai trò chủ lực trong phục vụ lĩnh vực “Tam nông”, xây dựng “Nông thôn mới”. Đồng vốn của Agribank góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương; hạn chế cho vay nặng lãi, tạo điều kiện cho hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh tăng trưởng, công tác bảo đảm an toàn hoạt động, kiểm soát chất lượng tín dụng được các chi nhánh quan tâm triển khai thực hiện. Với sự nỗ lực của các chi nhánh, nợ xấu toàn khu vực luôn được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu luôn luôn được giữ ở mức thấp, bình quân giai đoạn từ năm 2000 đến tháng 5-2024 là 1,5%, góp phần vào sự phát triển ổn định và an toàn chung của toàn hệ thống. Mặt khác, các chi nhánh trong khu vực đã không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ, tích cực triển khai các sản phẩm ngân hàng đến khách hàng, tận dụng tối đa lợi thế sẵn có để đẩy mạnh thu ngoài tín dụng vốn là nguồn thu chủ yếu của Agribank, từng bước nâng tỷ lệ thu ngoài tín dụng nhằm góp phần cải thiện và ổn định tình hình tài chính. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2023, tốc độ tăng trưởng thu dịch vụ bình quân hằng năm toàn khu vực là 18,7%. Các chi nhánh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính theo hướng bền vững; điều hành công tác tài chính gắn với công tác huy động vốn, tín dụng và dịch vụ; kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu, tăng cường đôn đốc thu lãi cho vay đến hạn, quá hạn để nâng cao tỷ lệ lãi thực thu nhằm nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Trong 30 năm qua, cán bộ, nhân viên Văn phòng Agribank khu vực miền Trung luôn phát huy tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ quản trị, điều hành nội bộ và nhiệm vụ theo phân công, ủy quyền của trụ sở chính. Ảnh: TRẦN QUANG |
Dấu ấn từ Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung
Ông Nguyễn Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ quy định, Văn phòng đã tích cực, chủ động tham mưu trụ sở chính Agribank trong việc triển khai cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ, triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh đối với chi nhánh trong khu vực. Đồng thời, trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan để bảo vệ quyền lợi của Agribank trong khu vực; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nội bộ định kỳ hoặc đột xuất theo chương trình, kế hoạch của trụ sở chính hoặc đơn vị tự xây dựng. Theo đó, Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung luôn tích cực, chủ động tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra và giám sát tại các chi nhánh, phòng giao dịch thuộc khu vực.
Cụ thể, tập trung công tác kiểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh; kiểm tra chuyên đề; kiểm tra đột xuất; kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường phát hiện qua kết quả giám sát; kiểm tra tiêu chuẩn phục vụ khách hàng và nhận diện thương hiệu; kiểm tra chương trình khách hàng bí mật. Qua kết quả kiểm tra và giám sát, đơn vị đã kịp thời chỉ đạo các chi nhánh khắc phục những tồn tại, thiếu sót phát sinh trong quá trình tác nghiệp; sớm phát hiện những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh để kiến nghị, khuyến nghị chấn chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa. Nhờ vậy, có thể giúp chi nhánh kiểm soát nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, bảo đảm an toàn tài sản Agribank, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động kinh doanh tại các chi nhánh.
Văn phòng đại diện khu vực miền Trung còn triển khai công tác giám sát từ xa thông qua hệ thống thanh toán nội bộ và kế toán khách hàng (IPCAS), chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như tín dụng, tài chính kế toán. Đồng thời lưu ý phát hiện sớm, cảnh báo và yêu cầu các chi nhánh chấn chỉnh, rà soát việc thực hiện quy trình cho vay, quản lý dòng tiền, việc hạch toán kế toán, quản lý tài sản, hạn chế rủi ro ngay từ khi phát sinh.
Nhiều sáng kiến phục vụ cho công tác giám sát đã được nghiên cứu, nghiệm thu, triển khai tại đơn vị như: hoàn thiện quy trình kiểm tra công tác tài chính kế toán, quản lý tài sản, tiền tệ kho quỹ thông qua việc khai thác dữ liệu trên IPCAS (2018); chương trình hỗ trợ kiểm tra, cảnh báo đối với việc áp dụng lãi suất tiền gửi trên IPCAS (năm 2020); chương trình quản lý dữ liệu xác thực thư bảo lãnh và rà soát, đối chiếu để cảnh báo về thư bảo lãnh qua ứng dụng Visual Basic trong Excel (năm 2021); hướng dẫn, hỗ trợ công tác rà soát, đánh giá, nhận diện yếu tố rủi ro qua giám sát từ xa trên IPCAS và công tác giám sát trực tiếp về hoạt động tín dụng (năm 2022); ứng dụng khai thác thông tin, dữ liệu, hỗ trợ kiểm tra cấp tín dụng đối với khách hàng (năm 2023). Mỗi năm, Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung thực hiện tổng hợp trên 350 báo cáo định kỳ/đột xuất; tổng hợp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh của các chi nhánh gửi trụ sở chính và các chi nhánh làm tài liệu phục vụ cho công tác quản trị điều hành.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Agribank tại khu vực với vai trò là “cánh tay nối dài” của trụ sở chính, Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung đã triển khai ký kết quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức các hội nghị chuyên đề nhằm giúp các chi nhánh trong khu vực có thêm kinh nghiệm trong việc nhận dạng một số vi phạm, tội phạm phổ biến trong quá trình cấp tín dụng, hạn chế các rủi ro trong quá trình thẩm định tài sản bảo đảm, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng; trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và những giải pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, trong công tác thông tin tuyên truyền và phối hợp, Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung đã thực hiện nhiệm vụ đầu mối phối hợp, ký kết hợp tác truyền thông với cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí; hằng năm triển khai đăng tải tin, bài tích cực, phóng sự truyền hình, tin bài quảng bá thương hiệu, sản phẩm dịch vụ mới. Từ việc triển khai đồng bộ các hoạt động, đã góp phần đưa thương hiệu, hình ảnh Agribank và chi nhánh trong khu vực đến với người dân, cộng đồng cũng như tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các sản phẩm dịch vụ mới, quy định về cơ chế tín dụng, lãi suất của ngành trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Quy chế tổ chức và hoạt động, Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung là đơn vị phụ thuộc Agribank, có chức năng tham mưu, đề xuất Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành hoạt động tại 17 chi nhánh loại I trong khu vực, gồm các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông; ban hành và tổ chức triển khai thực hiện quy định nội bộ liên quan đến chiến lược kinh doanh, công tác phát triển sản phẩm dịch vụ, công tác thống kê, dự báo kinh tế, tài chính tiền tệ; đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Agribank tại khu vực. Hiện nay, Văn phòng đại diện khu vực miền Trung có 4 phòng nghiệp vụ (tổng hợp; hỗ trợ phát triển kinh doanh; kiểm tra, giám sát nội bộ; hành chính, quản trị); 1 Đảng bộ cơ sở với 4 Chi bộ trực thuộc với tổng số 51 đảng viên đang sinh hoạt; 1 tổ chức Công đoàn cơ sở; 1 tổ chức Đoàn thanh niên cơ sở và 1 tổ chức Hội Cựu chiến binh. |
TRẦN QUANG – PHƯƠNG THẢO
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202406/no-luc-de-phat-trien-ben-vung-3976559/