Nhiều ngân hàng vừa công bố triển khai các gói tín dụng quy mô lớn, áp dụng lãi suất ưu đãi giảm từ 1-2% so với lãi suất cho vay thông thường.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN |
Theo đó, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn, bao gồm sản xuất nông nghiệp, với lãi suất thấp từ 7,5%/năm.
Đồng thời, một gói tín dụng 10.000 tỷ đồng nữa được Sacombank dành cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau. Lãi suất áp dụng với gói này từ 9%/năm, nếu khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ còn từ 8%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), gói vay quy mô 7.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất giảm đến 2%/năm.
Cụ thể, chương trình áp dụng từ nay đến hết 31/12/2023 bao gồm: Gói vay 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng hiện hữu tại BVBank trên 12 tháng với mức ưu đãi lãi vay giảm đến 2%; Gói vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất linh hoạt từ 8,8% hoặc ưu đãi cố định từ 9,9% trong 3 tháng đầu với các khoản vay được giải ngân mới phục vụ sản xuất kinh doanh – mua nhà đất – sửa chữa nhà và tiêu dùng; Gói vay 2.000 tỷ đồng nhằm kích cầu mua sắm tài sản tích lũy và kích cầu tiêu dùng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất vay dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Theo đó, với khách hàng cá nhân, MSB giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí… Lãi suất ưu đãi từ 8,99%/năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.
Với khách hàng doanh nghiệp, MSB giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có món vay giải ngân bằng VND từ ngày 19/07/2023.
Bên cạnh đó, MSB vẫn đang tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các SME tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô có thể tiếp cận gói tín dụng 5.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay kinh doanh ưu đãi từ 7,5%; mua nhà để ở lãi suất 8,5%/năm.
Lãi suất vay thông thường tại OCB đang ở mức từ 9,5% với ngắn hạn và 10,7% với trung dài hạn.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới đây đã công bố dành 25.000 tỷ đồng triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn.
Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu như: xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiệt bị, xăng dầu, hoá mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với lãi suất ưu đãi mới từ 6,8%/năm.
Không chỉ tung ra các gói vay mới với lãi suất giảm sâu, nhiều ngân hàng còn áp dụng hạ lãi suất trực tiếp cho các khoản vay hiện hữu.
Như tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục được giảm tới 0,5% lãi suất, áp dụng trong 5 tháng từ ngày 01-08-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Lũy kế đến hết 30-6-2023, ngân hàng này đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tiếp tục giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh.
Đồng thời, BIDV triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31-12-2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Theo chia sẻ của ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, ngân hàng đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn toàn hệ thống. Lũy kế đến 30-06-2023, doanh số cho vay tại BIDV là 16 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là trên 5 nghìn tỷ đồng.
Dự báo xu hướng cho nửa cuối năm, Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn nữa do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cùng việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. VNDirect nhấn mạnh lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.
Theo TTXVN