Tại hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng do Sở Công Thương phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 12-9 trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo thành phố Đà Nẵng năm 2023, các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã nêu những đề xuất nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Đức (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q |
Ông Lê Hoài Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương maị và Dịch vụ Huỳnh Đức cho biết, thời gian qua, công ty nhận được nhiều hỗ trợ của thành phố như vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và có các chính sách hỗ trợ khuyến công phù hợp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cơ khí khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất cũng như thiếu chuỗi liên kết để phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp địa phương. Bên cạnh hỗ trợ từ cơ quan quản lý, ông Đức cho rằng doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mới, phát triển chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý.
Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, bên cạnh những chính sách chung của Trung ương, địa phương cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm như ngành ô-tô, điện, điện tử, dệt may, da giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong vùng phát triển theo. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp trong khu vực để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong đầu tư, phát triển sản phẩm phù hợp; có chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới dây chuyền máy móc thiết bị, áp dụng các mô hình quản lý thông minh. Đặc biệt, thành phố cần ưu tiên tạo quỹ đất cho doanh nghiệp cùng các chính sách hỗ trợ về mặt bằng, thuế.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), lãnh đạo thành phố cần đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động, chiến lược và các đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp của thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời chỉ đạo tích hợp và cụ thể hóa những nội dung này vào trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; bố trí nguồn lực thỏa đáng trên cơ sở phù hợp với tình hình ngân sách và kinh tế – xã hội của thành phố, tổ chức bộ máy và có các cơ chế phù hợp, khả thi để triển khai các chính sách, chương trình hành động trong các ngành công nghiệp tại địa phương; đẩy mạnh cơ chế huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của thành phố, hoặc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương ban hành hoặc đề xuất ban hành, triển khai các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.
Sở Công Thương thành phố với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Ảnh: M.Q |
Để cụ thể hóa công tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương thành phố với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam thông tin, dự án nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng thông qua việc tư vấn thiết lập nhà máy thông minh và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, giúp các công ty Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo biên bản ghi nhớ, các hoạt động được tiến hành trong quá trình hợp tác bao gồm: sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách các doanh nghiệp địa phương tiềm năng cho dự án; thực hiện tổ chức các chuyến làm việc và đánh giá sơ bộ tại nhà máy; lựa chọn doanh nghiệp và nhân lực phù hợp tham gia dự án thông qua việc khảo sát và phỏng vấn; thực hiện các khóa đào tạo và tư vấn thiết lập nhà máy thông minh. Bên cạnh đó, Hội Cơ khí thành phố Đà Nẵng và Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện Thành phố Hồ Chí Minh cũng ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí hai địa phương.
Lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Chiều 12-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng tham quan các gian hàng và kiểm tra công tác tổ chức hội chợ. Sau khi tham quan các gian hàng, tìm hiểu một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao hiệu quả và tiềm năng phát triển của các sản phẩm; đồng thời lắng nghe nguyện vọng và ghi nhận kiến nghị, đề xuất các doanh nghiệp liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng ghi nhận Sở Công Thương trong công tác tổ chức hội chợ cùng các sự kiện bên lề và lưu ý đây là sự kiện quan trọng nên cần đẩy mạnh truyền thông và luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp kết nối, hợp tác. Được biết, Đà Nẵng có 25/120 doanh nghiệp tham gia hội chợ nằm trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng, chế tạo, các sản phẩm gia công chính xác, máy công nghiệp các loại; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cung cấp các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp Chiều 12-9, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo thành phố Đà Nẵng năm 2023, Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA) phối hợp UBND thành phố cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo Giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng doanh nghiệp. Hội thảo nhằm phân tích tầm quan trọng của tài chính trong chuỗi cung ứng, tư vấn cho doanh nghiệp cách tiếp cận nguồn vốn và việc sử dụng các gói tài trợ sao cho hiệu quả, giải quyết đúng vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải là có đơn hàng mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững. Các chuyên gia chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững; tài trợ chuỗi cung ứng trong nước, dự án đầu tư mới và tài trợ xuất khẩu, qua đó doanh nghiệp có thêm những lựa chọn về giải pháp tài chính phù hợp. |
MAI QUẾ