Thể chế, cơ chế, chính sách về VHTTDL ngày càng hoàn thiện, toàn diện, sâu sắc hơn
Năm 2024, với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững ”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm ”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả ”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi ”, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, ngành VHTTDL đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: “Tận tụy – Chuyên nghiệp – Tinh thông – Hiện đại – Đoàn kết – Kỷ cương – Tăng tốc về đích ”. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả.
Ngành VHTTDL tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa”; xây dựng hệ giá trị văn hóa, khẳng định sức mạnh, vai trò của văn hóa; việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế, cơ chế, chính sách về VHTTDL được bổ sung, phát triển mới, ngày càng hoàn thiện, toàn diện, sâu sắc hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự tại điểm cầu Đà Nẵng
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị ban hành: Kết luận số 84-KL/TW ngày 21-6-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.
Đồng thời, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa; phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035; cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới, nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công, huy động được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Người dân ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn, tốt hơn các thành quả VHTTDL.
Nhiều di sản văn hóa có giá trị của Việt Nam được UNESCO công nhận và ghi danh, tô sáng thêm hình ảnh Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới… Hệ thống thiết chế văn hóa đã cơ bản được hình thành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền.
Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế, trong đó có 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng.
Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt 17,5 triệu lượt khách, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác văn hóa đối ngoại có nhiều điểm sáng với các hoạt động như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ký kết 11 văn bản hợp tác quốc tế nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xây dựng 14 Kế hoạch triển khai các hoạt động đối ngoại, 9 Đề án; nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, quảng bá hình ảnh và góp phần củng cố vị thế quốc tế của đất nước.
Chỉ số hạnh phúc được nâng lên, Việt Nam xếp thứ 54 năm 2024, tăng 29 bậc so với năm 2020; Chỉ số phát triển con người (HDI) được cải thiện rõ rệt, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập.
Quyết liệt thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, văn hoá là sức mạnh nội sinh của dân tộc; thể thao là sức khoẻ của đất nước, con người Việt Nam; du lịch là hình ảnh, sự quảng bá, tạo động lực, truyền cảm hứng về đất nước, con người, dân tộc Việt Nam ra bạn bè quốc tế; đồng thời khẳng định, Việt Nam có cơ sở, tiềm lực để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, giải trí nhờ truyền thống văn hóa, lịch sử, đất nước Việt Nam xinh đẹp, sự sáng tạo của con người Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng cùng những kết quả quan trọng mà ngành VHTTDL trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số nguyên nhân và bài học kinh nghiệm như: bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh nội sinh, chủ động, sáng tạo, nắm chắc, đánh giá đúng tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, sâu rộng.
Triển khai nhiệm vụ thời gian đến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Với ý nghĩa đó, ngành VHTTDL cần tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, kiên quyết loại bỏ cơ chế “xin – cho”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VHTTDL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao; có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần tăng cường huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp. Phát triển ngành VHTTDL, ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải huy động nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực xã hội, nguồn lực doanh nghiệp.
“Đặc biệt, cần quốc tế hoá nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, hệ giá trị Việt Nam thông qua VHTTDL, đồng thời Việt Nam hoá những tinh hoa của thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng và sứ mệnh của ngành VHTTDL là lực lượng xung kích, chủ công trên mặt trận này”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Một lần nữa nhấn mạnh phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc; phát triển ngành thể thao để nâng cao thể lực, sức khỏe người dân, trong đó phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, thể thao thành tích cao theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá, là ngành mũi nhọn, gắn với văn hóa, thể dục thể thao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024, góp phần tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng.
NGÔ HUYỀN
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62014&_c=3