Để hạn chế tình trạng thất thoát nguồn thu ngân sách, ngành thuế thành phố tập trung thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao, song song đó là làm tốt việc quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế.
Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” Chi cục Thuế khu vực Thanh Khê – Liên Chiểu. Ảnh: MAI QUẾ |
Bảo đảm thu đúng, thu đủ
Nhiều chuyên đề chống thất thu thuế đã và đang được ngành thuế cùng các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là các chuyên đề: vi phạm về hóa đơn, doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, dịch vụ (ăn uống, lưu trú), thương mại điện tử, bất động sản…, nhất là chống thất thu doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết.
Qua đánh giá của Cục Thuế Đà Nẵng, trong quá trình khai báo thuế, một số trường hợp sai sót là doanh nghiệp không thuộc trường hợp miễn trừ, nhưng vẫn kê khai là được miễn; khi tiến hành lập hồ sơ về giao dịch liên kết, kế toán ở các doanh nghiệp thường ghi thiếu mã số thuế, chọn không đúng quốc gia của bên liên kết, xác định mối quan hệ giữa các bên chưa đúng, hạch toán chi phí liên quan đến các giao dịch liên kết chưa đáp ứng được quy định… Năm 2024, Cục Thuế thực hiện 117 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, xử lý truy thu và phạt 155 tỷ đồng.
Bên cạnh xử lý các trường hợp vi phạm lớn, chuyên đề chống thất thu thương mại điện tử được chú trọng thực hiện gần đây trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế. Theo Cục Thuế thành phố, căn cứ kho cơ sở dữ liệu ngành thuế, năm 2024, toàn ngành tiếp nhận thông tin 4.223 người nộp thuế (455 doanh nghiệp và 3.768 cá nhân, hộ kinh doanh) kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và đã thực hiện rà soát 2.938 người nộp thuế, chiếm tỷ lệ 70%.
Kết quả rà soát có 197 người nộp thuế chưa phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm; 2.741 cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh tổng doanh thu 942,8 tỷ đồng, số thuế phải nộp là 18,09 tỷ đồng. Qua làm việc, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã nộp thuế sau rà soát, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vi phạm nên Cục Thuế đã xử lý vi phạm hành chính đối với 20 cá nhân, hộ kinh doanh, 8 doanh nghiệp với tổng số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 845 triệu đồng.
Trong năm 2024, các Chi cục thuế trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Kết quả, Cục Thuế mời làm việc, đề nghị thực hiện điều chỉnh giá chuyển nhượng và giá tính thuế đối với 487 trường hợp nộp hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng bất động sản chưa phù hợp với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, qua đó xác định nghĩa vụ tăng thêm là 10,6 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực dịch vụ: ngành thuế hoàn thành 44 cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ăn uống, xử lý truy thu, phạt với số tiền 3,6 tỷ đồng; hoàn thành 26 cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, xử lý truy thu, phạt với số tiền 19 tỷ đồng; hoàn thành 74 cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, xử lý truy thu, phạt với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Ngoài các chuyên đề chống thất thu thuế nêu trên, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, các chi cục thuế đã xây dựng kế hoạch chống thất thu, khai thác nguồn thu đối với một số lĩnh vực như: Chi cục Thuế quận Hải Châu khai thác nguồn thu từ hoạt động xây dựng ngoại tỉnh, qua rà soát đã yêu cầu 119 doanh nghiệp nộp thuế với tổng số tiền 14,6 tỷ đồng.
Chi cục thuế khu vực Thanh Khê – Liên Chiểu chống thất thu với hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý, qua rà soát đã yêu cầu 44 đơn vị nộp số thuế 1,56 tỷ đồng; khai thác nguồn thu từ hoạt động xây dựng ngoại tỉnh, qua rà soát đã yêu cầu 49 doanh nghiệp nộp thuế với tổng số tiền 19,4 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn khai thác nguồn thu từ hoạt động xây dựng ngoại tỉnh, khách sạn căn hộ condotel, qua rà soát đã đề nghị 121 đơn vị nộp thuế với tổng số tiền 117 tỷ đồng…
Tiếp tục triển khai các giải pháp
Cùng với kết quả đạt được, Cục Thuế cho biết vẫn còn nhiều trường hợp kê khai thuế không đúng quy định, kê khai thiếu doanh thu so với thực tế, kê khai khống số tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào so với dữ liệu trên hóa đơn đã nhận. Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử còn nhiều khó khăn như: thông tin chủ thể tham gia hoạt động trên sàn bị ẩn danh dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế liên hệ làm việc; giao dịch thanh toán trên các trang web chủ yếu qua tài khoản cá nhân, thanh toán bằng tiền mặt… dẫn đến không xác định được chính xác doanh thu, giá trị giao dịch.
Theo đại diện Công an thành phố, để nâng cao hiệu quả đấu tranh với gian lận, trốn thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Công an thành phố tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu giả mạo khi đăng ký kinh doanh, bất thường trong sử dụng hóa đơn, kê khai thuế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm trên internet.
Trong lĩnh vực du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, chống thất thu thuế còn gặp khó do mức xử phạt doanh nghiệp không nộp báo cáo thống kê rất thấp. Cụ thể, theo Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21-5-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch chỉ phạt 1-3 triệu đồng đối với cá nhân và tổ chức thì gấp đôi, không quy định cụ thể về vi phạm kê khai không đúng thực tế. Ngoài ra, công tác khai báo lưu trú khách quốc tế và nội địa với cơ quan công an chưa có sự thống nhất, đồng bộ mà mỗi đơn vị khai báo trên các hệ thống khác nhau. Một số nguy cơ gây thất thoát thuế như cơ sở lưu trú, nhà hàng không xuất hóa đơn; các chi nhánh lữ hành không có trách nhiệm báo cáo thống kê cho Sở Du lịch, dễ xảy ra tình trạng giấu doanh thu…
Để chống thất thu thuế, sở yêu cầu các đơn vị thống kê theo các chỉ tiêu của ngành du lịch đúng quy định, đồng thời chủ động theo dõi các doanh nghiệp du lịch để cung cấp thông tin cho Cục Thuế khi thấy nghi ngờ về tình hình khách đông nhưng không khai báo kinh doanh hoặc khai báo không đúng thực tế; tăng cường kiểm tra xử phạt các đơn vị không nộp báo cáo thống kê.
Theo ông Phạm Đức Thường, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, thời gian tới đơn vị tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp, sát với thực tế kinh doanh; kịp thời đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ đọng; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; tăng cường khai thác các nguồn thu, sắc thuế còn thất thu qua công tác quản lý doanh nghiệp.
Hơn 300 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trong năm 2024
Năm 2024, toàn ngành thuế thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.867/1.562 cuộc, đạt 119,5% chỉ tiêu kế hoạch Tổng cục Thuế giao và bằng 84,4% so với cùng kỳ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 1.342,4 tỷ đồng (bằng 74,3% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó tiền thuế, tiền phạt tăng thu qua xử lý là 234,9 tỷ đồng (bằng 119,8% so với cùng kỳ), trong đó, tiền thuế, tiền phạt tăng thu qua xử lý là 301 tỷ đồng (bằng 97,6% so với cùng kỳ).
|
MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/nganh-thue-da-nang-doi-moi-de-thu-ngan-sach-hieu-qua-bai-2-chong-that-thu-cac-linh-vuc-trong-diem-4001255/