Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, Quốc hội đồng ý thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Cảng Liên Chiểu được khởi công ngày 14/12/2022 với tổng diện tích quy hoạch 1.285ha, gồm khu bến cảng diện tích 450ha, phần còn lại được quy hoạch trở thành các khu công nghiệp, trung tâm logistics… gắn liền với hoạt động khai thác khu bến cảng Liên Chiểu.
Trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đã được tổ chức khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Trong hình là phối cảnh của cảng biển Liên Chiểu (Đồ họa: Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân).
Cảng Liên Chiểu nằm dưới chân đèo Hải Vân, thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Với quy hoạch phía nam giáp cửa sông Cu Đê, phía đông giáp vịnh Đà Nẵng.
Cảng Liên Chiểu gồm 8 bến container tiếp nhận tàu 30.000-200.000 DWT, 6 bến tổng hợp tiếp nhận tàu 30.000-100.000 DWT, bến cho tàu SB dài 1.230m…
Cảng được quy hoạch nhằm giảm tải cho Cảng Tiên Sa hiện hữu, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Đà Nẵng và trong khu vực.
Công nhân đã và đang hối hả đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực hoàn thành sớm các hạng mục thi công. Hàng nghìn khối đất đá được đổ xuống biển để định hình cho hệ thống đê, kè chắn sóng từ phía xa.
Nối với cảng biển Liên Chiểu hiện nay là đường Nguyễn Văn Cừ. Tuyến đường này nối liền với đường Nguyễn Lương Bằng, từ đó kết nối trung tâm quận Liên Chiểu và trung tâm thành phố Đà Nẵng. Tuyến đường cũng có nhánh rẽ sang hướng đi hầm Hải Vân.
Đà Nẵng cũng đang đầu tư tuyến đường nối cảng Liên Chiểu với quốc lộ 1A và đường tránh Hải Vân – Túy Loan kết nối luồng hàng hóa ra vào cảng với mạng lưới giao thông quốc gia.
Dự án được khởi công tháng 9/2023, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng với nhiều hạng mục khác nhau nhằm đảm bảo các dòng xe ra vào cảng thuận tiện.
Dự án đang triển khai xây dựng rất nhiều hạng mục. Trong hình là hầm chui tại đường Suối Lương.
Gần cảng biển Liên Chiểu là Ga Kim Liên trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi cải tạo, Ga Kim Liên sẽ kết nối với cảng biển Liên Chiểu.
Người dân sinh sống gần khu vực xây dựng cảng biển Liên Chiểu chủ yếu hành nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Ông Huỳnh Văn Mai (68 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc) bày tỏ, bản thân hoan nghênh việc đầu tư xây dựng khu vực cảng biển Liên Chiểu để phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên ông kiến nghị cần có hướng chuyển đổi ngành nghề cho các ngư dân bị ảnh hưởng.
Được biết, dự kiến khu logistics sẽ tập trung ở cảng biển Liên Chiểu, còn khu sản xuất dự kiến sẽ nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, tập hợp các hoạt động giao nhận và công việc liên quan đến quá trình cung ứng, vận chuyển, lưu kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối hàng hóa… Như vậy có thể thấy với tiềm năng to lớn, cảng biển Liên Chiểu sẽ là “cửa ngõ” quan trọng góp phần đưa Đà Nẵng bứt phá, bước lên tầm cao mới.
Vị trí cảng biển Liên Chiểu, Đà Nẵng (Ảnh: Google Maps).
Sáng 26/6, với 452/459 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Quốc hội đồng ý cho Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố.
Đà Nẵng cũng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, Quốc hội đồng ý thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập của Thủ tướng, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là 5 năm.
Dantri.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ngam-cang-bien-gan-voi-khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-tu-tren-cao-20240627151854052.htm