Sau gần 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm trồng lúa theo hướng hữu cơ, sản phẩm gạo Hòa Tiến của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 được UBND huyện Hòa Vang công nhận OCOP 3 sao. Đây là sản phẩm gạo OCOP đầu tiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 đang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 12ha. TRONG ẢNH: Nông dân xã Hòa Tiến thu hoạch lúa vụ hè thu 2023. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Từ tháng 5-2022, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) bắt đầu triển khai thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đối với giống ST25 và ĐT100. Đánh giá sau vụ cho thấy, năng suất, giá trị của các giống lúa trồng theo phương pháp này được nâng cao rõ rệt so với phương pháp sản xuất đại trà.
Theo đó, toàn bộ quy trình sản xuất được HTX kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh và cân đối liều lượng. Đặc biệt, HTX cùng nông dân kiểm tra rất kỹ lưỡng, tuyệt đối không để bao bì, chai, lọ… dưới đồng ruộng, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Đối với phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật, nông dân luôn tuân thủ sử dụng thuốc cho phép, bảo đảm theo các tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân vi sinh thay vì phân hóa học. Sau 3 vụ sản xuất, đến tháng 9-2023, sản phẩm lúa của HTX đã được chứng nhận VietGAP, đáp ứng và phù hợp với quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP – Good Agricultural Practices) tại Việt Nam.
Ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 cho biết, chứng nhận VietGAP là cơ sở quan trọng để HTX hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe hiện nay của người tiêu dùng. Tại thôn Yến Nê, HTX hình thành vùng sản xuất lúa có quy mô 12ha theo tiêu chuẩn VietGAP với sự tham gia của 80 hộ dân. Mỗi năm, dự kiến sản lượng thu hoạch đạt khoảng 144 tấn lúa. HTX còn đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị để tạo ra quy trình sản xuất khép kín từ lúc gieo trồng, chăm sóc đến chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Được biết, cuối tháng 12-2023, sản phẩm Gạo Hòa Tiến được UBND huyện Hòa Vang công nhận OCOP 3 sao.
Đây là sản phẩm gạo OCOP đầu tiên của huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng do nông dân xã Hòa Tiến sản xuất. Việc được công nhận gạo OCOP đã góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ và an toàn. HTX đã cải tiến bao bì, nhãn mác, bổ sung mã QR truy xuất nguồn gốc để phù hợp với công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. “Nhờ có chứng nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng quan tâm và tin tưởng. Tại Hội chợ xuân Đà Nẵng 2024, chúng tôi đã bán được hơn 2,5 tấn gạo cho khách tham quan. Nhiều người dân, đơn vị đã quay lại đặt hàng sau khi dùng thử”, ông Sinh cho hay.
Hiện nay, sản phẩm gạo Hòa Tiến được tiêu thụ tại một số trường học, cơ sở giáo dục, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini. Thời gian đến, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất và thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trực tiếp và trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Vụ hè thu 2024, HTX dự kiến chuyển đổi thêm 9ha diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tạo thói quen sản xuất an toàn, bảo đảm sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở để HTX xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững tại địa phương. Bên cạnh đó, HTX sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa toàn bộ quy trình và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để để nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo ông Ngô Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, địa phương đã chỉ đạo thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ từ lâu, nhưng do một vài vấn đề nên sản phẩm chưa đáp ứng kỳ vọng và quảng bá rộng rãi. Gạo Hòa Tiến được công nhận sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP 3 sao thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương, HTX và nông dân. Việc xây dựng thành công sản phẩm gạo OCOP đã nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập của nông dân so với gạo sản xuất đại trà. HTX cần triển khai các biện pháp, kế hoạch để quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu; đồng thời, tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của thành phố và các sở, ban, ngành.
Địa phương sẽ chỉ đạo các thôn tiếp tục sản xuất theo hướng hữu cơ để mở rộng vùng trồng và tuyên truyền vận động bà con nông dân tham gia các lớp tập huấn trang bị các kiến thức, kỹ năng, tiếp cận các văn bản của thành phố trong việc hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, xây dựng và triển khai các mô hình phát triển kinh tế, tạo sản phẩm mới, góp phần cùng địa phương phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
VĂN HOÀNG